Ghi nhận tại điểm “chợ cóc” tại Sa Pa, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí nghìn cành đào đủ kích cỡ và cả gốc đào còn nguyên rễ được chào bán.
Người mua chủ yếu là khách du lịch tiện chuyến đi chơi. Số khác là lái buôn từ các tỉnh, thành dưới xuôi như Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa…
Đào được cắt cành và rao bán ở Sa Pa |
Loại đào Tây Bắc được giới thiệu là đào của nhà trồng trên đất vườn hoặc đất đồi. Mức giá của những cành đào chính hiệu Tây Bắc thấp nhất 200.000 đồng, thường từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Một số cành đào đẹp được bán với giá 5-7 triệu đồng.
Một lái buôn từ Hải Phòng cho biết, đội của anh đi hai xe tải cỡ lớn lên gom đào tại “chợ cóc” ngã 3 quốc lộ 4D và Lai Châu từ cách đây vài ngày. Hàng trăm cành đào được thu mua với giá từ 500.000 đồng đến 5-6 triệu đồng. Có những cành đẹp dự kiến về Hải Phòng có thể bán được giá 10 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ nhân của những cành, gốc đào được rao bán tại ngã 3 quốc lộ 4D đi Lai Châu là thanh niên, đàn ông người dân tộc từ các bản Cát Cát, Sâu Chua, Tả Phìn của Sa Pa. Một số người còn đi một chặng đường đèo từ Lai Châu sang.
Thanh niên Mã A Sềnh (bản Cát Cát, Sa Pa) cho biết, gia đình anh trồng khoảng 30 gốc đào. Sáng 10/1, anh chặt khoảng chục cành đem bán. Nếu bán hết, anh có thể chặt thêm. Khi được hỏi về quá trình phục hồi cây đào, Mã A Sềnh nói rằng, mỗi gốc đào năm nay chặt thì sau một năm chăm sóc, nó vẫn phát triển tốt, tuy nhiên, cành không lớn. Vì vậy, vào dịp Tết năm sau, gia đình sẽ chặt cành từ những gốc đào cũ khác.
Một thanh niên từ bản Sâu Chua (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, gia đình anh trồng 50 gốc đào. Cứ dịp cận Tết nguyên đán, tùy thuộc độ lớn và tuổi của mỗi gốc, anh sẽ chặt, tỉa cành đem bán.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về điểm bán đào nhộn nhịp ở ngã 3 quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Lai Châu, ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sa Pa cho biết, loại đào bày bán ở đây là cây đào ăn quả của người dân. Việc mua bán trong ngày lễ, tết này là quyền của người dân. “Đây không phải cây lâm nghiệp. Trong rừng tự nhiên của Sa Pa không có cây đào. Vì vậy, Hạt Kiểm lâm chỉ khuyến cáo người dân mua bán sao cho hiệu quả, chứ không quản lý, không xác nhận nguồn gốc”, ông Minh nói.
Trước những thắc mắc về nguồn gốc, việc bảo tồn giống, gen đào ở Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung, ông Đinh Văn Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết, Lào Cai không có đào rừng. “Hai vùng đào có diện tích lớn ở Lào Cai phân bố ở Bắc Hà và Sa Pa, tuy nhiên, tất cả là đào trồng của người dân, chứ không có đào rừng”, ông Duy nói.