Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho các trường ĐH bằng ngân sách nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho các trường ĐH bằng ngân sách nhà nước
TPO - Người học được cấp học bổng và chi phí đào tạo nhưng phải bồi hoàn kinh phí nếu vi phạm cam kết

Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách Nhà nước theo Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 và 2022

Những đối tượng được dự tuyển

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối tượng dự tuyển gồm: Giảng viên và những người có nguyện vọng trở thành giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học trong nước, có dự định học tiến sĩ trong năm 2021, hoặc năm 2022; hoặc hiện đang là nghiên cứu sinh năm thứ nhất, thứ hai nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 911 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao có dự định học thạc sĩ trong năm 2021 hoặc 2022, hoặc đang học năm thứ nhất chương trình thạc sĩ cũng có thể tham gia dự tuyển.

Người học có trách nhiệm bồi hoàn kinh phí nếu vi phạm cam kết

Bộ GD&ĐT cho biết, quyền lợi và trách nhiệm của người trúng tuyển gồm: Được cấp học bổng và chi phí đào tạo tương ứng với trình độ, hình thức đào tạo đã dự tuyển; tuân thủ quy định của cơ sở đào tạo, của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ hiện hành (nếu học ở Việt Nam); của quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi được cử đi đào tạo ở nước ngoài (nếu học ở nước ngoài);

Giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học công lập được hưởng các quyền lợi khác và tuân thủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hiện hành; giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được hưởng các quyền lợi và tuân thủ những quy định khác (nếu có) theo thỏa thuận giữa người được cử đi đào tạo và cơ sở cử đi; đồng thời dành toàn bộ thời gian để hoàn thành việc học tập, nghiên cứu khi đã được công nhận trúng tuyển và tham gia khóa học.

Theo hướng dẫn, học bổng và chi phí đào tạo được áp dụng như sau: Đối với đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam: người học được hỗ trợ học bổng và học phí, hỗ trợ chi phí đi dự hội thảo hoặc thực tập ở nước ngoài.

Đối với đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài: người học được hỗ trợ học bổng và chi phí đào tạo bao gồm học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, vé máy bay một lượt đi và về, các loại phí bắt buộc khác theo quy định của cơ sở tiếp nhận (nếu có).

Đối với đào tạo toàn thời gian theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài: người học được hỗ trợ học bổng và chi phí đào tạo trong thời gian học ở Việt Nam và trong thời gian học ở nước ngoài.

Học bổng và chi phí đào tạo hỗ trợ người học được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương với định mức chi theo hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 89 của Bộ Tài chính cấp cho người được cử đi đào tạo trong thời gian đào tạo, nhưng không quá 2 năm đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ; không quá 4 năm đối với người được cử đi đào tạo tiến sĩ, trong đó kinh phí thực tập, nghiên cứu và tham gia hội thảo ở nước ngoài đối với người được cử đi học toàn thời gian ở Việt Nam tối đa không quá 6 tháng.

Tuy nhiên, giảng viên có có trách nhiệm bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành. Cụ thể, trong các trường hợp sau: tự ý bỏ học; không hoàn thành chương trình đào tạo và không được cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng không quay trở lại làm việc tại cơ sở cử đi (hoặc tại cơ sở có ký thỏa thuận cam kết tiếp nhận giảng viên) hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.