Đào tạo đội ngũ chuyên gia bán dẫn: Kinh nghiệm của Ấn Độ, Mỹ, Singapore

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nỗ lực tạo ra đội ngũ chuyên gia bán dẫn, Ấn Độ mới đây đưa ra hai chương trình giảng dạy mới để học viên tốt nghiệp có thể đầu quân cho các công ty lớn nhất Ấn Độ cũng như thế giới. Trong khi đó, Mỹ đang nhân rộng chương trình đào tạo miễn phí về bán dẫn chỉ trong 10 ngày, học viên tốt nghiệp có thể đi làm ngay cho các hãng sản xuất chip như Intel với mức lương 43.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) một năm.

Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ, Ashwini Vaishnav, cho biết Thủ tướng Narendra Modi đã phê duyệt chương trình Semicon India (Bán dẫn Ấn Độ) vào tháng 1 năm ngoái. Sau khi tham vấn với ngành bán dẫn và tất cả các chuyên gia, một chương trình đào tạo đã được phát triển và tháng 2/2023, Bộ Giáo dục Ấn Độ đưa ra hai chương trình mới. Đầu tiên là chương trình BTech về chất bán dẫn, thứ hai là chương trình cấp bằng về công nghệ bán dẫn. Cụ thể, Hội đồng Giáo dục kỹ thuật Ấn Độ đã đưa ra chương trình giảng dạy được thiết kế dành cho cử nhân khoa học kỹ thuật và chứng chỉ về sản xuất mạch tích hợp. Hai chương trình này được kỳ vọng giúp Ấn Độ tăng cường đào tạo nhân sự giỏi về lĩnh vực bán dẫn trong toàn bộ hệ thống kỹ thuật.

Nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Ấn Độ

Thủ tướng Narendra Modi nhận định, trên thế giới, chất bán dẫn đóng vai trò lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn (tích hợp quy mô lớn) có mức lương cao ở Ấn Độ và tạo ra môi trường cho một hệ sinh thái bán dẫn lớn. “Mục tiêu chung của chúng tôi là đưa Ấn Độ trở thành một trong những đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, Thủ tướng Ấn Độ cho biết. Ông cũng lưu ý rằng Ấn Độ đầu tư rất nhiều vào giáo dục và đào tạo các chuyên gia trẻ.

Ấn Độ có một đội ngũ nhà phát triển chất bán dẫn tài năng, chiếm tới 20% số kỹ sư thiết kế chất bán dẫn trên thế giới. Hầu như tất cả 25 công ty bán dẫn hàng đầu đều có trung tâm thiết kế hoặc nghiên cứu và phát triển ở Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ sự lạc quan sau khi chính quyền bang Gujarat ký Bản ghi nhớ trị giá 1,54 triệu rupee (hơn 450 triệu đồng) với tập đoàn Vedanta-Foxconn về sản xuất chất bán dẫn và màn hình vào tháng 9 năm ngoái. Thủ tướng cho rằng các khoản đầu tư sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế và việc làm cũng như giúp tạo ra một hệ thống khổng lồ cho các ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ Thông tin Ấn Độ Aswhini Vaishnaw, nhà máy sản xuất chip điện tử đầu tiên của nước này dự kiến đi vào hoạt động trong vòng một năm, Press Trust of India đưa tin ngày 16/10. Chính phủ Ấn Độ đã dành 10 tỷ USD ban đầu để khuyến khích thiết lập hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn trong nước, bao gồm một nhà máy chế tạo tấm bán dẫn (wafer). Các nhà máy chế tạo tấm bán dẫn là khối xây dựng đầu tiên của chip vật lý được sử dụng trong tất cả các sản phẩm điện tử công nghệ cao.

“Chúng ta đang tập trung vào một số lĩnh vực thích hợp mà chúng ta có thể dẫn đầu toàn cầu. Viễn thông và xe điện đã nổi lên như một phân khúc lớn về chất bán dẫn. Nếu chúng ta tập trung phát triển và sản xuất chip sử dụng trong các phân khúc này thì chúng tôi có thể dẫn đầu toàn cầu về hai phân khúc này”, Bộ trưởng Vaishnaw nói với Press Trust of India.

Mỹ thiếu công nhân bán dẫn

Theo báo cáo từ Deloitte, ngành bán dẫn Mỹ có thể phải đối mặt tình trạng thiếu khoảng 70.000-90.000 công nhân trong vài năm tới, một phần vì công nhân lành nghề và những người có trình độ kỹ thuật cao đang chọn làm việc tại các công ty công nghệ lớn thay vì các cơ sở sản xuất. McKinsey cũng dự báo Mỹ ​​sẽ thiếu 90.000 kỹ thuật viên lành nghề vào năm 2030. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói: “Dự báo là chúng ta sẽ thiếu khoảng 100.000 kỹ thuật viên bán dẫn trong vài năm tới”.

Trên khắp nước Mỹ, các trường cao đẳng cộng đồng, trường đại học và khu học chính đang tạo ra hoặc mở rộng các chương trình đào tạo để thu hút nhiều sinh viên hơn vào ngành bán dẫn, ngành mà các chuyên gia cho rằng đang trên đà bùng nổ sản xuất.

Đào tạo đội ngũ chuyên gia bán dẫn: Kinh nghiệm của Ấn Độ, Mỹ, Singapore ảnh 1

Ấn Độ đã công bố chương trình trợ cấp 10 tỷ USD để lôi kéo các công ty bán dẫn toàn cầu đầu tư vào cơ sở vật chất tại nước này. Ảnh: Getty Images

Đào tạo đội ngũ chuyên gia bán dẫn: Kinh nghiệm của Ấn Độ, Mỹ, Singapore ảnh 2

Tốt nghiệp chương trình đào tạo miễn phí “Khởi động nhanh” có thể làm việc cho các công ty bán dẫn như Intel với mức lương 43.000 USD/năm. Ảnh: Intel

Tại hạt Maricopa, bang Arizona, ba trường cao đẳng cộng đồng đã hợp tác với Intel để cung cấp chương trình “Quick Start” (Khởi động nhanh) nhằm chuẩn bị cho học viên trở thành kỹ thuật viên mới vào nghề tại Intel, các nhà cung cấp của Intel hoặc các nhà sản xuất chất bán dẫn khác chỉ trong 10 ngày. Chương trình được Sở Thương mại Arizona trợ cấp và học viên không phải trả phí nếu hoàn thành khóa học.

Các sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo nói với tạp chí Mỹ Time rằng, họ đã được dạy kiến thức cơ bản về cách chip được sản xuất, thực hành sử dụng nhiều dụng cụ cầm tay khác nhau và mặc thử áo choàng dài từ đầu đến chân mà kỹ thuật viên mặc để tránh xơ vải hoặc tóc rơi xuống làm hỏng tấm bán dẫn. Ngay cả một hạt bụi cũng có thể làm hỏng quá trình sản xuất chip.

Singapore sẽ đào tạo 6 tháng về thiết kế IC

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong ngày 20/9 cho biết, một chương trình đào tạo mới kéo dài sáu tháng về thiết kế mạch tích hợp (IC) sẽ được triển khai vào tháng 8/2024 để đào tạo 150 người trong vòng 5 năm tới. Singapore cũng sẽ tăng gấp đôi đào tạo nhân tài nghiên cứu và phát triển (R&D) để đáp ứng mục tiêu đào tạo 1.000 tiến sĩ trong 10 năm tới. Chính phủ sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty để cung cấp học bổng và phát triển nguồn nhân tài sau đại học có kỹ năng R&D quan trọng cần thiết cho ngành bán dẫn, ông nói.

Ông Gan cho biết Singapore cũng sẽ tiếp tục đào tạo lại những người lao động đã có trình độ trung cấp để đảm nhận các vai trò mới và nâng cao trong ngành bán dẫn hoặc tái bố trí các công việc tốt khác trong ngành.

Lisa Strothers, 35 tuổi đến từ thành phố Phoenix, bang Arizona, vừa bị cho thôi việc với tư cách là chuyên gia hỗ trợ khoản vay thì cô nhận được email về chương trình “Khởi động nhanh”. Strothers nói: “Có rất nhiều thông tin trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng họ đã cố gắng trình bày chúng thật cơ bản để bạn vẫn có thể hiểu được. Chỉ có một hoặc hai người có nền tảng công nghệ nào đó trong lớp chúng tôi; phần còn lại thì không”. Chỉ vài tuần sau khi hoàn thành chương trình 10 ngày và vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ, cô nộp đơn xin việc tại Intel và được thuê làm kỹ thuật viên quy trình, chịu trách nhiệm giúp khắc phục sự cố của thiết bị và công cụ.

Intel cho biết nhu cầu về chương trình “Khởi động nhanh” cao đến mức họ phải đưa hàng trăm người vào danh sách chờ chỉ để đăng ký tham gia chương trình tại hai địa điểm của hãng ở Phoenix và thành phố Portland, bang Oregon. Vào tháng 2, Intel đưa ra một chương trình chứng nhận “Khởi động nhanh” tương tự ở bang Ohio, nơi hãng đang khởi công xây dựng các cơ sở bán dẫn trị giá 20 tỷ USD, dự kiến mở cửa vào năm 2025, tuyển dụng 3.000 người. Chương trình Ohio hiện có 260 học viên đăng ký. Từ khi bắt đầu vào tháng 7/2022 đến nay, chương trình đã đào tạo hơn 600 học viên ở Arizona.

Patty Mfoloe đã tốt nghiệp chương trình “Khởi động nhanh” ở thành phố Portland, bang Oregon sau khi cô bị cho thôi việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mfoloe hiện làm việc cho Intel với tư cách kỹ thuật viên sản xuất, chịu trách nhiệm về các công cụ tạo ra chip.

Học trong 10 ngày rồi đi làm nhận lương 43.000 USD/năm

Theo Fresh Start, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho phụ nữ có trụ sở tại Phoenix hợp tác thực hiện sáng kiến “Khởi động nhanh” với Intel và Trường Cao đẳng cộng đồng Mesa, thu nhập trung bình hằng năm của học viên tốt nghiệp chương trình khi tìm được việc làm là 43.000 USD. Ở Oregon, theo một quảng cáo về chương trình đào tạo lực lượng lao động, kỹ thuật viên bán dẫn trình độ đầu vào kiếm được từ 18-24 USD mỗi giờ, nghĩa là mức lương hằng năm khoảng 37.000-50.000 USD.

Intel tuyên bố chương trình đào tạo chỉ là điểm khởi đầu cho sự nghiệp trong ngành sản xuất chất bán dẫn mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hy vọng sẽ được trang bị tốt hơn để cạnh tranh với Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) vốn thống trị cuộc đua chip trong nhiều thập kỷ. Chất bán dẫn được phát minh ở Mỹ, nhưng nhiều nhà sản xuất đã chuyển cơ sở của họ ra nước ngoài để tận dụng chi phí lao động rẻ hơn và các ưu đãi từ chính phủ nước ngoài, kéo thị phần sản xuất chip của Mỹ xuống còn khoảng 12% hiện nay từ mức 37% vào những năm 1990.

Để thu hút các nhà sản xuất chip quay trở lại Mỹ, hè năm ngoái, Tổng thống Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS, tập trung vào khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Đạo luật này đã tạo ra một làn sóng đầu tư tư nhân mới vào các nhà máy chip trên toàn nước Mỹ. Hầu hết nhà máy đều ở bên ngoài các thành phố lớn và tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Thách thức hiện nay là tìm đủ người để lấp đầy công việc tại các nhà máy sản xuất đó. Đào tạo công nhân miễn phí chỉ trong 10 ngày có thể là một giải pháp tốt.

MỚI - NÓNG