> Đạo diễn Việt Tú: Nói nhiều và quá chán
Một lĩnh vực mới mẻ, Tú đang làm thương hiệu cho mình cùng với những người bạn.
Tự cho mình là kẻ may mắn
Việt Tú cho rằng, anh là một kẻ may mắn. "Và cả kiêu ngạo nữa chứ", tôi đặt câu hỏi, vị đạo diễn trẻ tuổi này nói, điều này còn tùy! Hôm trước, anh vừa đọc comment trên một tờ báo mạng về những vị giám khảo ở “Bước nhảy hoàn vũ”.
Có độc giả viết rằng: “Tôi rất ghét Việt Tú vì anh ta chảnh. Nếu bớt chảnh thì mọi người sẽ thấy anh thông minh hơn”.
Hay có người cũng phàn nàn rằng, nếu Việt Tú ít hoạt ngôn hơn sẽ bớt nguy hiểm. Anh cười bảo rằng, mục đích sống của anh là trở thành một người hạnh phúc chứ không phải một người nguy hiểm.
Việt Tú nói, tất cả những gì anh có cho đến ngày hôm nay đều đến thật tự nhiên, từ việc anh học trường nào, và thành công đến thế nào.
Cha mẹ anh cho rằng, anh là người không hợp với những môn đòi hỏi tư duy logic nên cho đi học nghệ thuật. Để viện chứng cho sự may mắn của mình, Việt Tú nói rằng, anh biết có nhiều người giỏi hơn mình nhưng vẫn lận đận trong việc tìm đến với những thành công và trở thành những kẻ bất đắc chí. Và, tất nhiên, chẳng ai có thể lý giải điều này.
Việt Tú bảo, chu kỳ thành công của anh là từ năm 2002 đến 2006. Và vẫn con người ấy, vẫn tính cách ấy, cách làm ấy và ngần ấy chất xám, từ 2007 tận 2010 Việt Tú rơi vào bế tắc.
Dù đầy kiêu hãnh, tự kiêu và biết mình đang ở vị trí nào, anh vẫn thử rao mình để bán hàng. Nhưng mà họ không mời anh. Rồi cũng con người ấy, đã trở lại mạnh mẽ cùng với “Hoa hậu Việt Nam” vào năm 2010 và hàng loạt các chương trình lớn sau này như mọi người đã biết của năm 2011.
Tin vào luật nhân quả
Việt Tú quan niệm, chảnh hay không chảnh, im lặng hay ồn ào, khiêm tốn hay kiêu ngạo không phải là vấn đề mà quan trọng là đem đến thành công, miễn sao những điều ấy, thể hiện con người của mình, vừa vặn với mình. |
Nói về thời điểm dừng lại, khi đang phăng phăng công việc ở giai đoạn 2007 - 2009, lúc đang có nhiều lời mời gọi, đưa đón, Việt Tú bảo anh là người duy tâm ngay cả trước khi anh là Phật tử như bây giờ.
Anh tin vào luật nhân quả, cơ duyên với tất cả mọi việc. Thầy của Việt Tú bảo, trong cuộc đời con người đều phải trải qua chu kỳ thăng trầm, mỗi chu kỳ ấy thường xảy ra trong 6 năm.
Dừng lại trong khi xã hội đang tiến lên nghĩa là mình đang thụt lùi. Với hơn hai năm phải dừng lại, Việt Tú cho rằng, mình vẫn là kẻ may mắn. Khi nghĩ lại thời gian ấy, Việt Tú đều cảm thấy sợ hãi.
Lúc ấy, Việt Tú cứ băn khoăn liệu mình có thể vượt qua bóng tối ấy, trở lại công việc hay không và có bao giờ bị mất ý chí. Anh bảo mình giống như một cầu thủ bị chấn thương.
Một người đam mê thời trang như Việt Tú đến lúc ấy cũng chỉ mua hai bộ quần áo và một đôi giày mới trong một năm. Nghĩa là, thời điểm ấy, vị đạo diễn này đã sống một đời sống khác, không phải là mình, không nghĩ đến con người trước đây của mình.
Việt Tú nghĩ mình cần thay đổi. Trong thời gian ấy, ngồi chiêm nghiệm, Tú thấy việc ứng xử của anh trong thời điểm thăng hoa trước đó đã không thực sự đúng đắn.
Và điều ấy làm Tú cắn rứt, anh đã từng không tôn trọng những thành công của mình, không quý trọng những gì mình có được để khi nó chạy khỏi tầm với của mình mới suy nghĩ về nó.
Ngày hôm trước thành công, Việt Tú đã quên ngay nó. Việt Tú bảo, đó cũng là sự kiêu hãnh. Nhưng sự kiêu hãnh vốn gần với ngạo mạn và đó cũng là vấn đề. Việt Tú đã có thời điểm đi quá ranh giới của sự kiêu hãnh nên bây giờ anh rất thận trọng.
Là một người làm nghề phải quan tâm về tiểu tiết, Việt Tú nhạy cảm để nhìn thấy vẫn những con người ấy, vẫn mối quan hệ ấy nhưng khi anh không đứng ở đỉnh thì cách ứng xử của những người xung quanh với anh cũng khác đi.
Điều ấy khiến anh thấy thất vọng. Đó là thời điểm không có việc gì để làm, Tú ngồi quán cà phê gần nhà một ngày 5, 7 lần.
Trong lúc ấy, Việt Tú nhận ra rằng, những người nhận ra chân giá trị, sẵn sàng ngồi với mình, chia sẻ và đưa ra cho mình lời khuyên, nói cho anh biết những điểm yếu và động viên anh thật đáng quý.
Yêu ghét rõ ràng
Việt Tú cũng nhận ra những điểm yếu của mình. Anh là người dễ nổi nóng với những người xung quanh, điều này không tốt với những người phải làm việc tập thể nhiều như Tú.
Việt Tú bảo, anh giống bà nội mình ở cái tính yêu ghét rất rõ ràng. Yêu thì sẽ sẵn sàng làm tất cả cho người ấy nhưng ghét thì cũng thật ác liệt. Dẫu sao, dù giờ có là một Phật tử thì Việt Tú vẫn là một con người và mang trong mình những góc cạnh khác nhau của đời sống, chỉ có điều, anh bình tĩnh hơn trong mọi việc mà thôi.
Nếu anh triệt tiêu được cái tính xấu này, có thể một tính xấu khác sẽ trồi ra. Con người, bản chất đã không hoàn hảo.
Nói về chuyện thất bại, nhiều người cho rằng, “Không gian âm nhạc”, đứa con cưng mà Việt Tú và ê kíp tạo nên đột ngột dừng lại cũng là một trường hợp như vậy.
Nhưng, Việt Tú lại quan niệm khác, anh cho rằng, “Không gian âm nhạc” là một chỗ để anh chơi nghề. Anh chưa bao giờ tuyên bố sẽ làm nó trong một năm hay cả đời.
Thẳng thắn, Tú nói, anh cũng đang tìm kiếm nhà tài trợ hoặc những giải pháp để có thể tiếp tục chạy chương trình. “Nếu không có sự đồng hành của bạn tôi, anh Đức cho tiền để “Không gian âm nhạc” chạy một năm thì sẽ không có một năm với rất nhiều chương trình đều đặn như thế” – Việt Tú chia sẻ.
Việt Tú bảo anh là người hiểu chuyện, hiểu thời cuộc. Ngay cả trong khi ê kíp của mình đầy hưng phấn thì anh vẫn rất bình tĩnh và nói rằng, chúng ta có tiền để làm trong một năm thì hãy cứ vui với một năm đi đã.
Câu chuyện tương lai sẽ phải nói sau đó. Ở thời điểm này nếu cứ cố bỏ tiền túi ra làm, để rồi một ngày trên báo có thông tin, Việt Tú bị siết nợ ngân hàng, thì đó mới là một thất bại.
Thẳng thắn thừa nhận, đôi khi “Không gian âm nhạc” không bán được nhiều vé nhưng anh biết thị trường của nó. Đó là giới trí thức, thưởng thức âm nhạc trong một không gian tinh gọn. Và cũng chỉ đến với chương trình này, người ta mới được nghe âm nhạc như thế.
Chính vì vậy, cuối cùng, nếu tiếp tục làm lại “Không gian âm nhạc”, Việt Tú vẫn sẽ giữ quan điểm ấy, con đường ấy, không mang chương trình đến chỗ rộng hơn để bán vé và làm thị trường.
Anh không ngại công bố những thất bại vì theo anh đó là cuộc chơi. Anh cũng cho rằng, một vài tính toán của mình trong “Không gian âm nhạc” bị sai.
Khi có chuyện, Việt Tú dùng uy tín cá nhân của mình nói chuyện với các nghệ sỹ, chưa từng đùn đẩy trách nhiệm cho ai. Khi “Không gian âm nhạc” không đạt giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, bản thân Tú thấy tiếc nuối, nhưng anh thấy đó là một sự công bằng.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” - Việt Tú nói, anh luôn làm cho người khác tin rằng, mọi thứ sẽ thành công và rồi sẽ thành công.
“Quý ông đỏm dáng” Con người có chính kiến của mình, khi tiếp nhận lời khen hay chê cũng phải giữ thái độ giống nhau. Ngay cả với việc Việt Tú bị cho là “tranh khôn” khi làm giám khảo của “Bước nhảy hoàn vũ”. Nhưng nếu ngày hôm nay cho anh đứng ở vị trí ấy, anh vẫn sẽ làm như vậy. Bởi lẽ, đó mới là con người anh. Anh không thể đóng một vai khác và cũng không làm theo ý kiến của những người khác, kể cả ban tổ chức. Tú lạc quan, bên cạnh những comment, thì có cả những lời khen ngợi dành cho anh đấy thôi. Đạo diễn cũng nói, anh là người sẵn sàng nghe những lời chê, nhưng sau lời chê ấy, anh muốn người ta đưa ra cho mình một giải pháp. Dường như, có cảm giác, trò chuyện cùng Việt Tú sẽ thật miên man về công việc. Và hình như, chỉ có những điều ấy mới khiến anh say mê. Nhưng thực ra, Tú cũng là một người biết hưởng thụ, anh vẫn dành thời gian cho những sở thích riêng của mình và trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình. Việt Tú bảo, thực ra câu chuyện ở đây chỉ là cách sắp xếp thời gian và công việc một cách khoa học thôi. Rất nhiều người có nhiều công ty cùng một lúc, nắm trong tay những tập đoàn xuyên quốc gia vẫn có thời gian đi du lịch, và dành thời gian cho gia đình. Tất cả mọi người đều có 24 tiếng trong một ngày, rất công bằng để so sánh. Và Tú vẫn là một “quý ông đỏm dáng”, chăm lo cho những thú vui của mình bên cạnh vô vàn những dự định công việc cứ kéo dài không dứt! |