Ðạo diễn Nhật giải mã “Cậu Vanya” thế nào?

Cậu Vanya là tác phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ Nhật - Việt. Ảnh: Thế Toàn
Cậu Vanya là tác phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ Nhật - Việt. Ảnh: Thế Toàn
TP - Sau ba đêm diễn ở Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ đưa Cậu Vanya đến Hạ Long, Hải Phòng và sau đó nữa là Nhật Bản vào năm sau. Kịch bản kinh điển của A.P.Chekhov được đạo diễn người Nhật cắt nghĩa sáng rõ, hiện đại hơn.

LÀM MỚI

Cậu Vanya ra đời cuối thế kỷ 19 xoay quanh Vanya, người đàn ông cả đời chắt bóp tằn tiện để cung phụng ông em rể Serebriakov-nhà khoa học, người dành cả đời viết về nghệ thuật nhưng không hiểu gì về nghệ thuật. Khi ông giáo sư về hưu và chuyển về vùng quê sinh sống, Vanya bắt đầu nhận ra sự tôn sùng mù quáng bấy lâu nay thì đã muộn-người đàn ông 47 tuổi, không tình yêu, không vợ con. Lão giáo sư ích kỷ cả đời ăn bám gia đình bên vợ nay còn âm mưu bán đi gia sản, đuổi cả nhà ra đường. Vanya vùng lên phản kháng, muốn giết chết ông giáo sư. Sau phút thức tỉnh của những con người cam chịu như Vanya, kết cục lại đâu vào đấy và họ chấp nhận buông xuôi, chấp nhận số phận cay đắng. Điển hình là câu nói của Sonya ở cuối vở: “Phải chịu đựng, phải kiên tâm. Phải sống sao cho khi chết đi, chúng ta có quyền nói rằng mình đã đau khổ, đã than khóc, đã biết thế nào là cay đắng”.

Kịch luận đề của Chekhov không dễ xem. Đạo diễn Nhật Tsuyoshi Sugiyama bảo những trang kịch bản gốc mang màu sắc u ám, nặng nề hơn. Với góc tiếp cận sân khấu đương đại, Sugiyama xoá nhoà không gian nước Nga bức bối ngột ngạt thế kỷ 19. Cậu Vanya không mang chất Nga đậm đặc - trừ tên những nhân vật như Vanya, cô cháu gái Sonya chăm chỉ làm lụng quên cả tuổi trẻ, bác sĩ Astrov, cô Elena vợ ông giáo sư, vú Marina, ông địa chủ Telegi- lại được thổi vào những yếu tố hiện đại, tươi mới từ trang phục tới trang trí sân khấu. Khán giả cũng vì thế dễ tiếp cận hơn. Người ta chỉ còn thấy ở đó những nỗi day dứt, chua xót về cuộc sống, thân phận con người.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama từng học ở Nga, am hiểu văn hoá Nga. Tác phẩm của Chekhov mang nhiều tính ẩn dụ, nhiều tầng ý nghĩa. Anh chọn cách giải mã Chekhov bằng phương pháp sân khấu đương đại ước lệ. Sân khấu chia tách thành hai thế giới, bên ngoài dường như là cuộc đời con người giao tiếp với nhau, phía trong tấm màn quây mỏng mảnh lại là thế giới con người cô đơn, dằn vặt, giằng xé với những nỗi niềm riêng. Bộ bàn ghế khổng lồ so với con người là một sáng tạo thú vị của đạo diễn, làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác giả.

Vở kịch có hai phiên bản, một bản diễn có hai diễn viên Nhật, một phiên bản toàn nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ. Nữ diễn viên Nhật Hemi Che xây dựng thành công Elena người phụ nữ sang trọng, xinh đẹp với bi kịch không được sống đúng với cảm xúc bản thân. Trong khi đó, ở phiên bản kia,  Hương Thuỷ đáng tiếc chưa thành công.

 ÐẲNG CẤP NHẬT

“Trước đây tôi mới tiếp cận Chekhov ở truyện ngắn, rất thích tính ẩn dụ, trừu tượng trong đó nhưng chưa hình dung tác phẩm sân khấu sẽ ra sao. Quá trình làm việc với đạo diễn Nhật thật thú vị. Anh ấy là đạo diễn tài năng có những tư duy rất hiện đại, lại là người hiểu rõ về Chekhov. Tôi học hỏi được rất nhiều từ đạo diễn - người có khả năng sư phạm, khả năng phân tích tuyệt vời”, NSƯT Đức Khuê nói. Ba năm để Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Không tường Nhật Bản lên kế hoạch hợp tác vở Cậu Vanya. Ba tháng trời nghệ sỹ hai nước tập luyện với nhau. Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama trẻ tuổi nhưng nổi tiếng ở Nhật với phương pháp sân khấu đương đại, trong mắt nghệ sĩ Việt Nam là người “tỉ mỉ, dịu dàng, kiên nhẫn”.

Đọc kịch bản, diễn viên mới mường tượng  một phần, nhưng tầng sâu kịch bản chỉ vỡ ra trên sân khấu. Nghệ sĩ Tú Oanh (Vú Marina) kể, đạo diễn dành rất nhiều thời gian phân tích tác phẩm. “Đạo diễn chắc chắn chịu nhiều áp lực, bởi khán giả Hà Nội không có thói quen xem kịch dài, anh ấy phải cắt gọt từng câu từng chữ. Kịch bản gốc diễn giải tâm trạng đủ đầy hơn, nay Sugiyama chắt lọc lấy những gì điển hình nhất. Anh ấy tính toán từng câu, từng ý để các nhân vật hoà hợp. Chẳng hạn hai bác cháu Vanya và Sonya có nhiều tâm trạng chung, nhưng mỗi người một cách bộc lộ, thoại không được lặp lại”, Tú Oanh nói.

Kịch Chekhov tạo cho diễn viên, đạo diễn cơ hội tha hồ sáng tạo. Mỗi nhân vật đều có số phận, tâm trạng riêng nếu diễn viên khai thác tốt đều có cơ hội toả sáng. Đức Khuê làm được điều đó khi hoá thân thành cậu Vanya hiền lành chân chất, hy sinh cả đời cung phụng ông em rể ích kỷ. Tới ngưỡng không chịu đựng nổi cũng phản kháng bằng cách hiền lành, ngây ngô nhất. “Nhiều đoạn độc thoại dài, nhiều lớp diễn thú vị-đó là mơ ước của một diễn viên được làm nghề thực thụ”, Đức Khuê nói.

“Đạo diễn đòi hỏi rất khắt khe, yêu cầu đầy đủ nhưng không quá. Chỉ cần chúng tôi hơi tung tẩy một chút anh ấy điều chỉnh ngay, bởi sợ khán giả hiểu theo ý nghĩa khác đi. Chưa bao giờ chúng tôi làm việc nghiêm túc như thế. Từng câu nói của nhân vật tôi đều thấy không phải mình đang diễn nữa. Nếu không có những tác phẩm như thế, e rằng chúng tôi nhiều khi chỉ “đánh trống mua vui” chứ chưa thực sự chạm tới những tác phẩm nghệ thuật chất lượng”, Tú Oanh nói.

Cậu Vanya là tác phẩm hợp tác giữa hai nhà hát Việt Nam và Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Dàn nghệ sĩ tham gia cả hai phiên bản: Hemi Che, Matsuda Takashi, NSND Lê Khanh, NSƯT Ðức Khuê, diễn viên Thu Quỳnh, Quỳnh Dương, Thanh Dương, Tú Oanh, Thanh Bình, Hương Thuỷ.

Ðạo diễn Nhật giải mã “Cậu Vanya” thế nào? ảnh 1 Nữ nghệ sĩ Nhật Bản Hemi Che gây ấn tượng đặc biệt với vai Elena. Ảnh: Thế Toàn                           
MỚI - NÓNG