Đào đất xây tường thành, phát lộ 'kho' gốm nghi cổ vật

Số mẫu vật nguyên vẹn hiện còn sót lại rất ít. Ảnh: M. Đình.
Số mẫu vật nguyên vẹn hiện còn sót lại rất ít. Ảnh: M. Đình.
TPO - Trong lúc đào đất xây tường thành bảo vệ chùa Thanh Dương, các thợ xây thuộc công trình này vừa phát hiện dưới lòng đất xuất lộ nhiều bình sành, gốm lạ nghi là cổ vật.

Chiều 6/10, ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng VHTT huyện Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) xác nhận, trong lúc đào đất xây tường thành bảo vệ chùa Thanh Dương (thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, Phú Lộc), các thợ xây thuộc công trình này vừa phát hiện dưới lòng đất xuất lộ nhiều bình sành, gốm lạ nghi là cổ vật.

Sau khi phát hiện sự việc lạ, sư trụ trì chùa Thanh Dương đã báo cho chính quyền, cơ quan chức năng địa phương. 

Qua tiếp cận các món đồ gốm, sành nằm lâu năm dưới lòng đất, Phòng VHTT huyện Phú Lộc cho biết, đa số chúng có dạng hình bình vôi. Tuy nhiên, do bị các dụng cụ đào xúc đất va phải trong quá trình thi công, nên hầu hết số đồ sành gốm kể trên đã bị vỡ, chỉ còn vài mẫu vật nguyên vẹn.

Sau khi kiểm tra, làm việc cùng nhà chùa và chính quyền xã Lộc Thủy, Phòng VHTT huyện quyết định giao cho phía chùa tạm bảo quản số mẫu vật sành, gốm lạ này để chờ Bảo tàng Lịch sử Cách mạnh tỉnh về xác minh, đánh giá nguồn gốc, niên đại, giá trị của chúng. 

Đến ngày 6/10, Phòng VHTT huyện Phú Lộc cũng đã hoàn tất các văn bản gửi UBND huyện, Sở VH,TT&DL, UBND tỉnh TT-Huế để báo cáo sự việc.

Đào đất xây tường thành, phát lộ 'kho' gốm nghi cổ vật ảnh 1

Các mẫu vật sành, gốm được cho có niên đại hàng trăm năm vừa tìm thấy tại khu vực chùa Thanh Dương, TT-Huế. Ảnh: M. Đình.

Được biết, Thanh Dương là ngôi chùa làng có lịch sử hình thành hơn 100 năm, thuộc hàng cổ nhất trong vùng. Đây là nơi dân làng thường xuyên đến hành lễ, bái Phật và tham gia các hoạt động Phật sự. 

Theo các bô lão trong vùng, trước đây quanh chùa có những cây cổ thụ lớn, dân làng thường đem các đồ vật mang tính tâm linh như ông đầu râu, ông bình vôi, tượng gốm hỏng đến bỏ lại quanh các gốc cây lớn sau khi không còn sử dụng. Theo thời gian sau khi các cây cổ thụ chết đi, các ông bình vôi bằng sành, gốm có thể bị vùi lắng dần xuống lòng đất, đến nay mới được phát hiện.

Đào đất xây tường thành, phát lộ 'kho' gốm nghi cổ vật ảnh 2

Những quai bình sành, gốm được chế tác rất tinh xảo. Ảnh: M. Đình.

Còn theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (trú thành phố Huế, người chuyên sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ cổ), các bình vôi được tìm thấy tại khuôn viên chùa Thanh Dương có thể được sản xuất từ thế kỷ thứ 15 đến 19, thậm chí thế kỷ 14. Đặc biệt, trong số các mẫu vật kể trên, còn có cả món đồ gốm xuất xứ từ nền văn hóa Chăm pa.

MỚI - NÓNG