Đảo chìm, Tết này không thiếu rau xanh

Vườn rau trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Trường Phong.
Vườn rau trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Trường Phong.
TP - Xen lẫn tiếng hát của chiến sĩ có tiếng sóng ập bờ mùa biển động. Mùa xuân đang về trên những đảo chìm ở Trường Sa. Tết trên đảo có thịt, có cá, có hoa quả, nước ngọt… và không thiếu rau xanh.

Hát karaoke giữa Trường Sa

Chúng tôi đến huyện đảo Trường Sa những ngày giáp Tết Nguyên đán. Trên những đảo chìm như Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông… đã trang trí sẵn những cây đào, cây mai bằng giấy, những mâm ngũ quả tượng trưng dưới lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Những chậu hoa lan, hoa giấy, chiều tím… cũng được trưng dụng mang lên hội trường để làm đẹp thêm cảnh quan. Có đảo dựng mấy cây mía, có dây kim tuyến treo xung quanh làm cổng chào mùa xuân. Nước ngọt, hạt dưa, mứt Tết… cũng được bày ra để tiếp khách.

Đón đoàn công tác đến tặng quà, chúc Tết, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây B vui như trẩy hội. Các chiến sĩ trẻ vừa ra đảo háo hức được gói bánh chưng. Nguyễn Văn Thanh (SN 1995) vừa ra đảo được ngồi gói bánh chưng cùng các cán bộ, chiến sĩ khác. Thanh chưa biết gói bánh nên chỉ nhìn, học theo và phụ giúp các anh, các chú gói bánh. Gói bánh xong, một bộ phận được cử mang đi luộc, còn lại cán bộ, chiến sĩ tập trung lên hội trường để vui chương trình hái hoa dân chủ chào năm mới. Dàn karaoke được bật sẵn. Sau phát biểu của đảo trưởng và đại diện đoàn công tác, Thanh và Nguyễn Trọng Thái (SN 1994, quê Bình Định) theo lệnh của cấp trên lấy sổ bài hát để lựa chọn bài. Thanh quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa kể ở nhà cũng hay hát karaoke cùng bạn, đặc biệt những bài về biển đảo. “Ra đây lại càng thấy yêu những bài hát về người lính hải quân, ngợi ca tình yêu quê hương, biển đảo Tổ quốc”, Thanh bảo rồi lật trang giấy, đọc số thứ tự cho Thái làm nhiệm vụ ghi tên các bài hát ra giấy. Nhìn qua, thấy Thái nắn nót từng dòng chữ ghi bài hát Tổ quốc gọi tên mình, Nơi đảo xa, Khúc quân ca Trường Sa… Tiếng hát, tiếng cười vui hòa lẫn với tiếng sóng vỗ bờ. Bữa liên hoan có nước ngọt, hạt dưa, bánh kẹo không khác gì ở đất liền.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trung tá Nguyễn Duy Tân, Lữ đoàn 146 cho biết, những dàn karaoke ở đảo chìm Trường Sa có tác dụng rất lớn với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. “Ngoài thời gian phục vụ công tác hội họp, dàn âm thanh và karaoke được sử dụng cho anh em giải trí trong những ngày nghỉ, ngày Lễ, Tết, giúp anh em có hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần, giúp anh em giải tỏa căng thẳng sau những giờ huấn luyện nơi đảo xa”, anh Tân nói.

Đảo chìm, Tết này không thiếu rau xanh ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây B vui văn nghệ mừng năm mới.

Tết không thiếu rau xanh, trứng gà

Lên thăm đảo Đá Tây A, đoàn công tác ngỡ ngàng khi chứng kiến vườn rau xanh mướt mắt. Dẫn đoàn đi thăm một vòng, chỉ vào những bồn rau đủ loại to, nhỏ trong vườn, thiếu tá Lưu Hồng Thức, người phụ trách tăng gia chăn nuôi chung trên đảo bảo có nhiều loại rau, mùa nào thức nấy. có thể kể đến rau muống, mùng tơi, cải, bầu đất, càng cua, sả, ớt, chanh, húng… loại nào cũng có. 

“Theo tôi biết, vườn rau và trại chăn nuôi trên Đá Tây A được cho là chính quy và tập trung nhất trong các điểm đảo chìm ở Trường Sa”.

Thiếu tá Lưu Hồng Thức

“Từ giờ tới ngoài Tết thời tiết thuận lợi để canh tác, có thể trồng thêm rau mùi, rau thì là như ở miền Bắc. Vì thế Tết không sợ thiếu rau. Có cả rau ăn lẩu, luộc, xào…”, anh Thức nói. Anh Thức bảo, hiện đảo có hơn 200 thùng trồng rau nên tới giữa năm sau thoải mái dùng, ngày nào cũng có rau ăn ba bữa, nhưng chủ yếu là canh. 

“Theo tôi biết, vườn rau và trại chăn nuôi trên Đá Tây A được cho là chính quy và tập trung nhất trong các điểm đảo chìm ở Trường Sa”, anh Thức nói. Để tăng hiệu quả, đảo phân công lịch tăng gia theo nhóm, tổ. Trung bình rau trồng khoảng 40 ngày thì được ăn lứa đầu tiên, sau đó tiếp tục canh tác, bón phân thì chỉ cần 15 ngày nữa sẽ được ăn lứa tiếp theo. “Có thêm nguồn phân lợn nên rau cũng xanh tốt và phát triển nhanh hơn”, anh Thức nói.

Chiều tối, hai chiến sĩ mang thức ăn cho gà và lợn trên đảo. Thức ăn cho lợn là cơm thừa trộn cùng nước ngọt - thứ quý giá nhất trên đảo chìm. Anh Thức cho biết, ngoài những thức ăn tận dụng trên đảo, anh em cũng thường xuyên đi bắt ốc, cá cho vịt, gà ăn để nâng cao chất lượng trứng. “Trên đảo có gà vịt nuôi đẻ lấy trứng và thịt. Mùa gió thì phải che chắn cẩn thận. Trứng thỉnh thoảng để ăn mỳ tôm buổi sáng”. Gà vịt thì mang trứng từ đất liền ra đây ấp nở. Buổi sáng hôm sau, gần chục chiến sĩ mang lưới xuống ao bắt cá cải thiện bữa ăn cho đoàn. “Đây là ao tự nuôi cá trên đảo. Anh em mỗi đợt đi tăng gia lại thả xuống một ít để dự trữ”, một lãnh đạo đảo cho biết.

Theo Đại úy Lâm Thế Phong, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A, chăn nuôi và trồng trọt trên đảo này có trong kế hoạch và chủ trương hàng tháng, hàng quý. “Từng điểm, từng bộ phận được giao tăng gia bao nhiêu, chỉ tiêu thế nào và đưa vào quá trình đánh giá kết quả hoạt động chung”, anh Phong nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.