Ông Phạm Xuân Tùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, người đưa chúng tôi ra đảo cai nghiện, cho biết: “50% số người nghiện ở đảo này đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Ai đó gọi đảo Lau là “ma-ết” (ma túy và HIV/AIDS) là có lý”.
Người nghiện nào đã vướng câu liêm thần chết, ai may mắn không vướng... cán bộ trên đảo không tiết lộ được. Chỉ biết rằng, người bình thường bước chân vào đảo là vào môi trường phơi nhiễm với HIV/AIDS nặng nề.
Dẫu thế, cuộc sống giữa cán bộ giáo dục, nhân viên y tế, lãnh đạo với hàng trăm người nghiện, nhiễm HIV trên đảo này như một gia đình. Theo “quy định” đã mềm hóa thành nếp sống, cán bộ ở đây vẫn hằng đêm thay phiên nhau ngủ cùng giường với người nghiện.
Buổi sáng chúng tôi đến đảo Lau, cán bộ trẻ Nguyễn Minh Hoàng vừa thức dậy từ phòng ngủ của người nghiện. Giấc ngủ đêm qua của Hoàng vừa là để tạo sự thân thiện, gần gũi thông qua nghe tâm tư nguyện vọng của cả người nghiện, người bị HIV/AIDS. Giấc ngủ của Hoàng vẫn yên lành, không nghe những ú ớ, tâm sự bức xúc của người nghiện thường nói trong cơn mê, hoặc là toan tính, bàn luận chuyện nghiện ngập... của họ.
Hoàng kể, giáo dục người nghiện trên đảo cai nghiện rất linh hoạt. Cán bộ vừa đóng vai thầy giáo, vừa là quản giáo, nhà tâm lý, tư vấn... Đây là cách để sống tốt với người nghiện, người nhiễm HIV ở hòn đảo bao quanh là nước mênh mông.
Mỗi một đêm ngủ cùng người nghiện, là một đêm cán bộ phải sẵn sàng thức trắng đêm, trao đổi thân tình để người nghiện, người nhiễm HIV luôn giữ vững mục tiêu rèn luyện trở lại làm người bình thường. Giấc ngủ của người nghiện vì thế mà cũng ít bị bóng ma túy ám ảnh, gây nhiễu.
Trên đảo cai nghiện, kể cả Phó giám đốc Trung tâm giáo dục-chữa bệnh-lao động xã hội cũng ngủ cùng người nhiễm HIV. Nếp sống ngủ cùng người nghiện như thế nhiều lần đã ngăn chặn được những hành vi tự vẫn, ý nghĩ tiêu cực, chán sống của người nghiện.
Hoàng vẫn còn nhớ rất rõ một đêm đang nằm cùng người nghiện mới nhập đảo tên Nguyễn Văn Quân. Quân lúc đó 18 tuổi, là người nghiện gần như trẻ nhất đảo, rất lo sợ, hoang mang với cuộc sống không còn được phóng túng ngoài đời.
Trong đêm đầu tiên ngủ bên cạnh Hoàng, Quân đã cắt tĩnh mạch, máu chảy lênh láng. Thấy Quân không ngủ mà vật vã, Hoàng choàng dậy, phát hiện Quân tự vẫn liền đưa đi cấp cứu.
Sau này tìm hiểu về gia cảnh của Quân, Hoàng biết bố Quân mất sớm, mẹ đi tù vì tội tàng trữ ma túy. Quân sống với em, và bị nghiện... Hoàng phải tập trung cao độ để có các biện pháp tâm lý thật tốt “chữa bệnh” tinh thần cho Quân. Trong hai năm lao động, học tập trên đảo, Quân là người thân thiết nhất với Hoàng, coi Hoàng là chỗ dựa tinh thần để từ bỏ ma túy.
Trên đảo Lau, các biện pháp đưa người nghiện trở lại trạng thái bình thường rất đa dạng, không tuân theo một giáo trình cứng nào. Ông Lê Văn Thủy - Phó trưởng khu B kể: “Thực ra cắt được cơn nghiện là đã đưa được người nghiện trở lại làm người, nhưng con người đó vẫn hằng ngày tơ tưởng đến... ma túy.
Cán bộ ở đây phải dạy người nghiện từ biết yêu lao động đến biết nhận thức đúng thế nào là làm người đúng nghĩa. Chỉ cho họ lao động thì dễ, nhưng dạy họ nhận thức về cuộc sống, con người thì cực khổ lắm.
Chúng tôi không có trình độ sư phạm, nhưng đại loại để dạy họ biết đối xử tốt với chính người thân sinh ra mình thì nói thế này: “Chỗ ráo dành cho mẹ nằm, chỗ ướt con lăn”...
Có khi một buổi học, cán bộ ở đảo chỉ phân tích mỗi hình ảnh đơn giản như thế. Lúc khác, họ lại kể chuyện Lưu Bình-Dương Lễ; chuyện về người Việt sống nghĩa tình.
Đại loại như: một bà mẹ khi mang thai phát hiện đứa con trong bụng bị bệnh thế kỷ, trước sau gì cũng sẽ chết, nên muốn phá thai. Thế nhưng, người mẹ đó vẫn phải dưỡng thai, nuôi nấng đứa con ấy cho đến khi chúng được vĩnh viễn ra đi...
Ông Thủy kể những câu chuyện dạy người nghiện nhận thức làm người nặng nề như kéo gỗ. Không phải vì ông không biết kể chuyện, mà bản thân việc dạy cho đối tượng là người nghiện, người nhiễm HIV hiểu được là việc khó vô cùng.
Tâm hồn họ 10 phần đã bị ma túy gặm nhấm đến 7 phần. Cán bộ làm gương mọi lúc mọi nơi, dạy nhiều, cuối cùng người nghiện cũng tiến bộ đáng kể.
Ông Thủy đưa chúng tôi đến góc phòng treo tờ báo tường với cái tên: “Số báo đặc biệt nhà A2 chào xuân 2008”. Trên số báo này đăng toàn thơ, cảm xúc của chính người nghiện và nhiễm HIV. Nhìn “bồ” thơ phú, xúc cảm trên diễn đàn của người nghiện, lại nghe thêm người nghiện Lê Hoàng Phong đọc những câu thơ trăn trở, hối tiếc... mới thấy rất nhiều trong số họ đã “ngấm” tư tưởng của các thầy giáo trên đảo.
Chúng tôi di chuyển từ khu B sang khu A, con đường mòn hai bên cây cối xanh ngắt, thẳng hàng. Trên con đường in đặc dấu chân người nghiện này, dễ thấy kết quả đáng kể của quá trình học và rời bỏ ma túy của người nghiện: Trại bò, dê nằm giữa lùm cây kia cũng do người nghiện chăm sóc, những cánh chim bồ câu hiền hòa người nghiện cũng chăm bẵm, làm chuồng nuôi.
Khu học sửa chữa đồ điện tử gần như lúc nào cũng sáng đèn. Tinh thần học tập và lao động đó khiến toàn dân trên đảo lúc nào cũng có 1 tỷ đồng dự trữ, phòng ngừa rủi ro.
Vượt vũ môn không hóa rồng
Xếp hàng trước khi vào nhà ăn |
Đưa chúng tôi đi quanh đảo cai nghiện, cán bộ của Cục phòng chống TNXH nói nhỏ: đảo này cũng là nơi “hạ nhiệt” vô khối niềm tự hào, kiêu hãnh của một số gia đình có chức sắc, đại gia ở không ít tỉnh, thành phố. Những người nghiện là con em các gia đình quan chức, giàu có gần như không vượt được vũ môn trong quá trình rèn luyện, học tập để lánh xa “cõi ma ám”.
Quản lý đảo ở khu A kể, con của nhiều gia đình giàu có đến đảo nhiều nhất vào những năm 1998-2002. Họ chủ yếu đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. Có vẻ như thông tin về những người “khó nói” trên đảo Lau đều nhạy cảm, nên gần như tất cả mọi người đều nói qua loa, rồi đảo sang chuyện khác.
Vài chục người nghiện là con các gia đình có chức sắc ở cấp tỉnh được xác nhận là đã từng đến đảo Lau thanh lọc ma túy. Nhưng tỷ lệ thành công không cao như mong muốn của gia đình.
Một cán bộ đưa chúng tôi đi trên đảo bình luận: “Nhiều người nghiện là con gia đình “cốp” có bản chất tốt, chỉ vì đua đòi, tiêu xài hoang phí, chạy theo đám ăn chơi mà thành nghiện”.
Trong hơn 100 người nghiện đang xếp hàng ngay ngắn trước khi bước vào nhà ăn ở khu A, chúng tôi gặp một thanh niên tên Nguyễn Tr. G, 30 tuổi ở Hà Nội, mặt mũi khôi ngô.
Theo lời kể của G, bố mẹ em đều là cán bộ nhà nước sống ở quận Ba Đình, Hà Nội. G có “thâm niên” hết ra lại vào đảo cai nghiện. Năm 2000, G theo bạn bè ăn chơi, bị nghiện được 2 năm thì gia đình phát hiện. Lúc đó, G đang là sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội.
Gia đình G đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí cho G đi du học ở Malaysia. Bố mẹ đang rất hy vọng về sự nghiệp của G con mình thì suy sụp khi biết con mình bị nghiện.
Giữa năm 2002, họ đành lòng đưa con mình ra đảo cai nghiện. Chỉ một năm sau, dù chưa đủ thời hạn, G đã được gia đình xin về nhà để tiếp tục cai nghiện.
Về Hà Nội, G lại được trở về môi trường hút sách quen thuộc cùng đám bạn ở khu vực Thanh Nhàn, bến xe Kim Mã. Không ngăn cản được G, năm 2004, gia đình lại đưa G ngược lên đảo Lau.
Lần này, G tự lao vào làm phu đá nhiều hơn, giống như những thường dân đến từ nhiều huyện nghèo khó ở Yên Bái. Năm 2005, G lại được trở lại Hà Nội, lại tiếp tục hút chích, đi bụi, cắm xe và quay lại đảo vào tháng 8/2008.
Thời gian ở trên đảo, G cũng như nhiều người nghiện khác, rất mực ngoan ngoãn. Tuy nhiên, đã hai lần G được trở lại cộng đồng để làm người thì lại mất đến 3 lần trở lại đảo. Lần ra đảo thứ 3 này chưa biết có mang lại kết quả gì khả dĩ cho G?
Đảo cai nghiện trong 16 năm tồn tại, cũng chứng kiến nhiều chuyện trong thế giới những người nghiện, đặc biệt là những người không đủ can đảm vượt qua ma túy và nhiễm HIV đã phải chấp nhận những cái chết đáng thương.
Từng có 3 người có tuổi đời 60 vẫn phải ra đảo. Họ là những người năm lần mười lượt đi cai, nhưng không ra được khỏi cõi mê của ma túy. Ông Nguyễn Tân C (phường Yên Thịnh, TP Yên Bái), trong khi chưa hết thời gian cai ở đảo, lại đã đón thêm hai người con ruột Nguyễn Khắc Ch và Nguyễn Khắc L ra đảo.
Năm 2007, ông C quá già phải trở về nhà và chết vì tai nạn giao thông. Ít tháng sau đó, một trong hai người con của ông cũng bị trả về rồi chết do kiệt sức vì ma túy.
Trên đảo này 50% số người nhiễm HIV/AIDS đang chờ đợi chuyến đò trở về thế giới bên kia. Ra khỏi đảo, cứ nghĩ về những gương mặt trẻ tuổi bị HIV/AIDS, lại thấy đảo um tùm kia như một phần của thế giới vĩnh hằng lạnh lẽo...