Bà Võ Thị Ta hứng dòng nước mát tại máy lọc nước. |
Vào mùa nắng, 500 người dân trên đảo Bé thuộc xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại nhấp nhổm với việc bỏ tiền mua nước ngọt từ đảo lớn chở sang. Lúc cao điểm, nước ngọt có giá gần 200 ngàn đồng/m3.
Nhưng cơn khát đó đã được hóa giải, khi Cty Doosan Vina của Hàn Quốc bàn giao và đưa vào sử dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt vào sáng 31-8. Thiết bị trị giá 1 triệu USD, gồm 2 hệ thống hóa hơi biến nước ngọt bằng phương pháp thẩm thấu ngược, công suất 200 m3/ngày đêm.
Niềm vui hiện ra trên khuôn mặt cháy nắng của người dân đảo Bé. Chị Nguyễn Thành Lành, 28 tuổi kể lại: “Em ở đảo Lớn sang làm dâu đảo Bé. Nếu về đảo lớn thăm gia đình, khi sang đảo Bé thì mang theo món quà tặng mẹ chồng, đó là can nước ngọt”.
Trong buổi lễ bàn giao thiết bị biến nước mặn thành nước ngọt có nhiều đại biểu về dự, trong đó có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Bình kể: “Năm 2008, đảo Bé khát chưa từng thấy. Lúc đó, tôi làm Bí thư Tỉnh ủy và ra chỉ thị huy động lực lượng bộ đội, đoàn viên thanh niên tổ chức chở nước ngọt sang hỗ trợ cho đảo Bé. Chứng kiến cuộc sống người dân khổ sở, chúng tôi nung nấu ý định sẽ xin cho người dân nghèo ở đây chiếc máy lọc nước ngọt của Cty Doosan Vina đang hoạt động trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất. Trước đó, chiếc máy này đã xuất sang Trung Đông”.
Đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi đã được Cty Doosan Vina thực hiện sau đó 8 tháng.
Bà Bùi Thị Thơ, một người dân trên đảo cho biết: “Vậy là người ta hết kêu ông Tựu rồi”. Ông Tựu là chủ tàu chuyên vận chuyển nước từ đảo lớn sang. Cứ 5-6 gia đình điện thoại thì ông mới nhổ neo chở một chuyến nước sang để bán.
Đảo Bé cách đất liền 35 km và được mệnh danh là “đảo 7 không”. Đó là không đường, không điện, không nước, không xe…
Bảy cái không đó khiến cuộc sống của 500 con người trên đảo gặp nhiều khó khăn. Cách đây vài tháng, công trình điện thắp sáng của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã góp phần đẩy lùi bớt 1 cái không. Giờ đây, thêm máy biến nước biển thành nước ngọt, đảo Bé chỉ còn 5 không.
Mỗi gia đình trên đảo Bé đều xây hồ, chum để trữ nước mưa sử dụng. Khi trời đổ mưa, mái nhà trở thành nguồn gom nước xuống hồ. Nhà dân trên đảo đều lợp tôn prô xi măng.
Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch đảo Bé có lần tâm sự: “Sợi amiăng từ laoij tôn tróc ra, theo nước xuống hồ, bà con sử dụng vào rất độc hại. Báo chí đã cảnh báo có thể gây ung thư. Nhưng mà không sử dụng nước đó thì lấy nước đâu mà uống”.
Bà Võ Thị Ta, 78 tuổi cho biết: “Cách đây 1 tuần, nhà máy biến nước biển thành nước ngọt chạy thử và cho bà con trên đảo sử dụng thử, ai cũng vui vì nước ngọt quá. Mai mốt nước mưa trong gia đình chỉ để tắm giặt và trồng một luống rau nhỏ trong vườn”.