Gian nan người “lính” giữ rừng
VQG U Minh hạ có tổng diện tích hơn 8.500ha, nằm trên địa phận huyện U Minh và Trần Văn Thời. Đây là một trong hai hệ sinh thái rừng đặc thù có tính đại diện cho hình ảnh du lịch của tỉnh Cà Mau. Trong tổng diện tích vườn đang quản lý, còn khoảng hơn 1.760 ha rừng nguyên sinh, với khoảng 176 loài cây cỏ, 23 loài thú, 91 loài chim và 47 loài lưỡng cư, bò sát. Nhiều loài trong số đó thuộc diện quý hiếm, được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.
Trải nghiệm bơi xuồng ba lá len lỏi dưới tán rừng tràm U Minh hạ tỉnh Cà Mau. |
Đáng quan tâm ở đây còn có những loài quý hiếm, đặc hữu về thực vật như: ráng U Minh, nắp nước, kỳ nam kiến, móp, mật cật gai, nhiều loài dương xỉ, tảo…. Về động vật, cũng có nhiều loài quý hiếm, như: cầy hương, dơi quạ, cầy vòi hương, mèo rừng, mèo cá, rái cá lông mũi. Trong rừng, còn xuất hiện các loài như heo rừng, nai, khỉ đuôi dài, già đẫy Java cùng các loài chim quý như điên điển, diệc lửa, diệc xám, cò trắng, còng cọc. Nhiều loài rắn cũng cư trú ở đây, có thể kể đến rắn hổ đất, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong, trăn gấm cùng kỳ đà nước, rùa ba gờ, rùa răng, rùa hộp lưng đen,….
Anh Trần Quốc Khải, Trưởng phòng Khoa học của VQG U Minh hạ cho biết anh đã công tác tại vườn được hơn 9 năm. Khoảng thời gian ấy, anh Khải nhận thấy vườn đang từng bước phát triển. Ý thức người dân trong bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã được thực hiện rất tốt, nhất là việc tuần tra, luồn rừng nhằm phát hiện các hành vi vi phạm đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Trải nghiệm chụp đìa thu hoạch cá dưới tán rừng tràm VQG U Minh hạ |
Hơn 7 năm công tác trong đội T23-100, VQG U Minh hạ, anh Nguyễn Văn Tâm cùng các anh em trong đội bảo vệ rừng cùng ở, sinh hoạt như một gia đình. Họ tự trồng rau, nuôi cá, ếch để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Vào đợt cao điểm mùa khô, người “lính” bảo vệ rừng phải bám rừng gần như suốt ngày đêm, ít có thời gian về với gia đình. Năm nào cũng thế, anh Tâm nói, dần dần cũng thành thói quen.
Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng của VQG U Minh hạ Nguyễn Công Trứ cho biết thêm, “lính” giữ rừng của vườn có khoảng 45 người. Khoảng 3 - 4 người được bố trí làm một đội thay phiên nhau trực suốt 24/24, vừa có nhiệm vụ quan trọng nhất là “canh lửa”, vừa tuần tra để phát hiện, ngăn chặn các hành vi phá hoại, săn bắt động vật hoang dã.
Những năm qua, việc khai thác tiềm năng du lịch ở vườn chưa được chú ý nhiều mà chỉ ưu tiên cho công tác bảo vệ, giữ rừng. |
“Mùa nước, chúng tôi tập trung chủ yếu trực vào ban đêm để ngăn ngừa các đối tượng săn bắt động vật hoang dã. Tuy rất vất vả và thường xuyên gặp các loài động vật hoang dã như rắn, nai, heo rừng,…nhưng chưa anh em nào gặp nguy hiểm. Còn ở mùa khô, anh em phải trực 24/24 để quan sát, phát hiện và xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra”, anh Trứ chia sẻ.
Không để “tiềm năng” ngủ quên
VQG U Minh hạ với thiên nhiên thuần khiết, trong lành, là nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật quý hiếm |
Trở lại Cà Mau lần này, gia đình bà Lâm Yến Nhi (du khách tỉnh Phú Yên) quyết định ghé thăm VQG U Minh hạ. Cả gia đình có dịp lên tháp cao ngắm toàn cảnh khu rừng nguyên sinh, hít thở không khí trong lành, bơi xuồng len lỏi dưới tán rừng, tự tay thả lưới, giăng câu, đặt lờ, bắt cá… Chia sẻ với phóng viên, bà Nhi nói, dù rất thích VQG U Minh hạ, nhưng chỉ chọn làm điểm dừng chân ngắn, bởi sản phẩm du lịch quá “nghèo”, lại chưa có nơi để khách lưu trú qua đêm. “Nói thật, ngoài vé vào cổng, tốn thêm tiền đặt bữa cơm trưa cho cả nhà thì tôi cũng không biết tiêu thêm tiền gì cho nơi này nữa”, bà Nhi nói.
Trong lần ăn cơm trưa tại VQG U Minh hạ, lãnh đạo đơn vị này vô tình nghe câu bông đùa của du khách: “Chưa đi chưa biết U Minh. Đi rồi mới biết hổng có gì… mình ơi”. Tuy có phần khó nghe nhưng câu nói trên khiến lãnh đạo vườn trăn trở suốt thời gian dài nhằm tìm phương thuốc giúp du lịch miệt rừng U Minh hạ có cơ hội toả sáng…
Từ nhiều năm trước, tỉnh Cà Mau đã nghiên cứu Đề án phát triển du lịch VQG U Minh hạ. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đề án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần… Mãi đến gần cuối tháng 6/2023, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG U Minh hạ đến năm 2030 mới được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo công bố, phạm vi thực hiện đề án có tổng diện tích hơn 1.310ha, nằm trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời, gồm hai phân khu: Phân khu du lịch hành chính (hơn 743ha) và phân khu phục hồi sinh thái (hơn 574ha). Diện tích trên được quy hoạch thành 6 khu chính, gồm: Khu đón tiếp khách, khu du lịch sinh thái, khu sưu tập động thực vật và vườn dược liệu, khu tái hiện làng rừng, nghề truyền thống, khu nghỉ dưỡng và khu trồng cây lưu niệm.
Theo lãnh đạo VQG U Minh hạ, tổng kinh phí thực hiện đề án gần 1.459 tỷ đồng, trong đó hơn 52 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, phần còn lại huy động xã hội hoá. Song hành với công bố đề án, công tác lập đồ án quy hoạch phân khu chi tiết cũng đang được xúc tiến khẩn trương để sớm có danh mục kêu gọi nhà đầu tư.
“Nếu mọi việc thuận lợi, đến cuối năm 2025, VQG U Minh hạ sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hoá xứ hoa tràm phục vụ du khách”, ông Hồ Hoàng Ca, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh hạ chia sẻ.