Đánh thức tiềm năng na Chi Lăng trái vụ, cải thiện cuộc sống người dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những trái na trái vụ căng tròn, dần chín để đến tay người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Hiện ở địa phương, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện, thể hiện rõ rệt nhất là đối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi đá khó khăn.

Dọc quốc lộ 1A, đoạn qua thủ phủ na Chi Lăng, hai bên đường có những sạp hàng vẫn xếp đầy những thúng na trái vụ, quả nào quả nấy to tròn xếp chồng lên nhau nom tươi ngon, bắt mắt. Nhờ sáng kiến làm na trái vụ mà khi đông đến, xuân về người dân nơi đây cũng thu về những quả na ngọt lịm, mang lại cuộc sống ấm no trên miền núi đá Kai Kinh.

Đánh thức tiềm năng na Chi Lăng trái vụ, cải thiện cuộc sống người dân ảnh 1

Ông Mã Văn Lét thao tác tỉa cành, chăm sóc na trái vụ -Ảnh: ST

Đánh thức tiềm năng na Chi Lăng trái vụ, cải thiện cuộc sống người dân ảnh 2

Người nông dân Chi Lăng phấn khởi trước sản phẩm cây đặc sản to, đẹp, riêng có của quê hương -Ảnh: Duy Chiến

Chúng tôi ghé thăm vườn na của ông Mã Văn Lét ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng huyện Chi Lăng khi ông đang đi thăm vườn, kiểm tra độ chín của na. Ông Lét cho biết: Để na có chất lượng, năng suất cao, đầu tiên phải cẩn trọng việc kỹ thuật thụ phấn cho na. Quá trình thụ phấn cũng đòi hỏi người làm tỉ mỉ, có kỹ thuật thì hiệu quả trên 90%.

“Với những kiến thức, hiểu biết của bản thân cùng với kinh nghiệm học hỏi được từ những buổi tham quan vùng trồng na Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tôi dùng xi lanh, ống nhựa lấy phấn ở hoa to, thụ phấn cho nhiều bông hoa na khác. Rồi phân tích, chọn thời điểm nào thì đốn ngọn, tỉa cành, tuốt lá ra sao để hoa nở cả trong mùa hè và mùa thu để từ đó làm na trái vụ tăng năng suất cây trồng. Không phải cây nào tôi cũng bắt ra trái 2 vụ. Tôi chỉ tác động những cây khỏe, những cây năm trước cho một vụ quả, nhằm dưỡng cây lâu dài. Tôi “điều khiển” mỗi cây chỉ ra từ 10 - 15kg quả/vụ để trái to đều”, ông Lét chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, trên một cây na trong gia đình ông Lét, có lứa quả đang thu hoạch và cả những cành nuôi quả nhỏ, đang ra hoa. Với cách xử lý cho na ra 2 vụ, lão nông này có nguồn thu không nhỏ. Suốt 5-6 năm qua, vườn na rộng hơn 2ha với trên 2000 cây na của gia đình ông cho thu nhập đều đều 1 năm 2 vụ. Riêng na trái vụ bán được giá hơn so với na chính vụ mà năng suất cũng không kém.

Đánh thức tiềm năng na Chi Lăng trái vụ, cải thiện cuộc sống người dân ảnh 3

Không chỉ na chính vụ, na trái vụ ở Chi Lăng được trồng, bảo quản theo tiêu chuẩn VietGap -Ảnh: Duy Chiến

Đánh thức tiềm năng na Chi Lăng trái vụ, cải thiện cuộc sống người dân ảnh 4

Lãnh đạo UBND và ban ngành chuyên môn huyện Chi Lăng thăm, trao đổi việc trồng và phát triển cây na, giúp dân giảm nghèo bền vững, làm giàu trên mảnh đất quê hương -Ảnh: Duy Chiến

Ông Lương Đình Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Tại huyện Chi Lăng, diện tích na năm nay hơn 2.300ha, sản lượng ước tính đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng.

“Thời điểm thu hoạch rộ na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ (trái vụ) sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12. Mới đây, huyện Chi Lăng tổ chức hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 với chủ đề “Na Chi Lăng - Ngọt ngào hương vị Xứ Lạng” nhằm tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, tập thể có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na. Đồng thời, góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng; tăng giá trị kinh tế, thu nhập cho người nông dân”, ông Lương Đình Chung nói.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho rằng, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên ở địa phương tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện, thể hiện rõ rệt nhất là đối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi đá khó khăn. Đó là kết quả của công tác giảm nghèo bền vững mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Chi Lăng đã quan tâm và nỗ lực thực hiện trong những năm qua và thời gian sắp tới.

MỚI - NÓNG