Ðánh thức tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với thế mạnh du lịch sinh thái, khám phá và trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ, mỗi năm du lịch tỉnh Hòa Bình đang đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách, tăng trưởng từ 10 đến 12%/năm. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, kết quả này vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, do vậy du lịch Hòa Bình trong đó có khu sinh thái hồ Hòa Bình cần được đánh thức.

Xác định du lịch là mũi nhọn

Với vị trí địa lý thuận lợi nằm cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 76 km theo hướng quốc lộ 6, Hòa Bình đang là khu vực đối trọng về phát triển kinh tế, du lịch phía Tây Thủ đô Hà Nội. Hòa Bình đang có các tuyến đường quốc lộ (QL) nối thông suốt với Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc gồm QL6, đường Hồ Chí Minh (QL21) và đường Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình đang đầu tư, mở rộng theo hướng cao tốc. Tài nguyên du lịch Hòa Bình được đánh giá tiềm năng, đa dạng, bao gồm có sông, hồ, suối nước khoáng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia… Đặc biệt thắng cảnh hồ Hòa Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch để phát triển thành Khu du lịch Quốc gia.

Trước các tiềm năng, thế mạnh trên, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đã đưa ra nhiều Nghị quyết, chương trình mục tiêu để “đánh thức”, trong đó có Nghị quyết số 10-NQ/TU năm 2016, Kết luận 37-KL/TU năm 2021, Quyết định số 1795 - Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030… Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU, sau 5 năm (2015 - 2020) triển khai, tỉnh đã thu hút được trên 4,1 nghìn tỷ đồng; riêng năm 2019 toàn tỉnh đón 3,1 triệu lượt du khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 2.075 tỷ đồng, trong 2 năm qua do dịch COVID-19 kéo dài số lượng khách có giảm nhưng năm 2022, tỉnh vẫn đặt mục tiêu đón 3,76 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 3.400 tỷ đồng.

Ðánh thức tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình ảnh 1
Một góc lòng hồ Hòa Bình với những hòn đảo sơn thủy hữu tình nhìn từ trên cao. Ảnh: Khai Tâm

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 72 dự án đầu tư vào du lịch còn hiệu lực, chiếm khoảng 12,2% tổng số dự án, với số vốn đăng ký gần 20.600 tỷ đồng. Khu du lịch hồ Hòa Bình bước đầu đạt được một số điều kiện về hạ tầng, khu nghỉ dưỡng để trở thành khu du lịch quốc gia; đầu tư xây dựng huyện Mai Châu thành khu du lịch cấp tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 37-KL/TU năm 2021 và UBND tỉnh có Quyết định số 1795, xác định: phát triển du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Cụ thể: Mục tiêu đến năm 2025, thu hút đầu tư đạt trên 6,3 nghìn tỷ đồng, cơ sở lưu trú đạt trên 6.000 phòng, lượng khách đạt 4,9 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm từ 30 đến 40% cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

Ðánh thức tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình ảnh 2
Hoạt động du lịch bằng tàu thuyền trên mặt nước hồ Hòa Bình

Hồ sinh thái Hòa Bình - Khu du lịch Quốc gia

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đang tập trung vào phát triển du lịch theo hướng sinh thái, du lịch cộng đồng.

Theo ông Trường, với diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha và chiều dài bờ hơn 100km, lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ bố trí sơn thủy hữu tình, lòng hồ Hòa Bình đang trở thành địa điểm du lịch sinh thái, khám phá hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc. Hiện hồ Hòa Bình cũng là hồ lớn nhất Việt Nam, phạm vi trải rộng trên địa bàn 4 huyện, thành phố, bao gồm: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình.

Về lịch sử hồ Hòa Bình, lãnh đạo Sở VHTT&DL Hòa Bình thông tin, hồ Hòa Bình được hình thành sau khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Khi đến Hòa Bình, du khách có thể đến tham quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một công trình thế kỷ được khởi công xây dựng từ năm 1979 và hoàn thành vào năm 1994, với 8 tổ máy có công suất 1.920MW. Tới đây, du khách được vào hầm tham quan các tổ máy, nhà truyền thống - nơi lưu giữ bức thư thế kỷ của những người đi trước gửi thế hệ sau; chiêm ngưỡng hình ảnh vĩ đại của đập tràn.

Với hồ Hòa Bình và lòng hồ Hòa Bình - tích nước phục vụ đập thủy điện Hòa Bình, trong quá trình phát triển du lịch, hiện nhiều đảo ở lòng hồ đã được đầu tư xây dựng thành các khu du lịch sinh thái hấp dẫn, như: đảo Dừa, đảo Xanh, nhà nghỉ Cối Xay Gió... Trong đó, đảo Dừa là điểm đến đang thu hút đông đảo du khách bởi sự độc đáo của những ngôi nhà sàn theo kiến trúc cổ truyền người Mường cùng các hoạt động du lịch đặc sắc như câu cá, hái quả, bơi thuyền, đốt lửa trại... và thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của người dân bản địa và các loại cá đặc sản sông Đà... Trong Khu du lịch hồ Hòa Bình còn có các hang động Karst nguyên sơ như: động Thác Bờ, động Hòa Tiên là những danh thắng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Đặc sắc hơn cả là các điểm du lịch cộng đồng của người Mường tại bản Ngòi (xã Ngòi Hoa), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia và xóm Mó Hẻm (xã Tiền Phong)... gắn với du lịch hệ sinh thái của hồ Hòa Bình và cảnh quan thiên nhiên sẽ là một trải nghiệm lý thú cho những ai ưa thích các hoạt động trải nghiệm như: trekking, thăm bản làng, khám phá các hang động nguyên sơ...

Với những giá trị tài nguyên du lịch đầy tiềm năng trên, ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển lòng hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, lộ trình thực hiện quy hoạch này đến năm 2030.

Ðánh thức tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình ảnh 3
Du khách bơi thuyền tại một Khu nghỉ dưỡng sinh thái trong lòng hồ Hòa Bình

Để từng bước cụ thể quy hoạch trên, hiện tỉnh Hòa Bình đang kêu gọi các nhà đầu tư “chung tay”, phát triển du lịch tại hồ Hòa Bình. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình, tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã tiếp nhận tổng cộng 12 dự án của nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư du lịch tại hồ Hòa Bình. Tổng vốn đầu tư cho 12 dự án này là 8.900 tỷ đồng.

Đề cập đến các cơ chế chính sách “giữ chân” nhà đầu tư ở lại phát triển du lịch lâu dài với tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách thông thoáng. Cụ thể, tỉnh đã ban hành chính sách miễn tiền thuê đất 11 - 15 năm; miễn, giảm từ 10% đến 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án thuộc các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. “Để tạo thuận lợi hơn cho du khách và các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng với khu vực hồ Hòa Bình, tỉnh vừa đầu tư xây dựng tuyến đường 345 dài khoảng 30 km đi từ thành phố Hòa Bình xuống khu vực lòng hồ, tuyến đường còn đi qua các địa danh có thể phát triển thêm các khu du lịch sinh thái ven hồ như xã Bình Thanh, Thung Nai (huyện Cao Phong) đến xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc)…”, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình thông tin.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.