Có quán bún ở ngõ chợ Khâm Thiên, bên đường tàu. Tàu qua, khách nghiêng người tránh. Ồn ào, gần đường ray nên khai khai. Ngồi ăn đúng là gai gai cái mũi, gai gai sống lưng. Thế mà chủ hàng coi khách như kẻ thù: Không ăn thì biến! Lần sau gọi gì thì gọi một thể luôn nhé! Quán cơm rang bán buổi tối trên đường Trần Nhân Tông.
Khách đã ăn quen mặt, vẫn bị chủ quan nhăn nhó cự nự: Không có một đĩa chia đôi đâu em ạ. Đành phải cụ thể hóa để chị ta hiểu: Chị cứ làm một đĩa, rồi bọn tôi tự chia đôi. Nghĩa là chị ta không muốn thêm một cái bát cái đĩa nữa cho khách, chắc phải rửa thêm một cái thì mệt lắm?
Mua quần áo giày dép cũng vậy, coi chừng. Cái kiểu bình luận: “Người thế, mặc gì cho đẹp” hoặc đốt vía, hoặc chửi sau lưng khách, bao nhiêu năm vẫn thế. Có phải vì thành phố đông người, nên nhìn thấy người – kể cả khách hàng – cũng ghét? Vì xì- trét trăm người bán một người mua?
Đến một ngôi chùa, anh bạn đang khấn trước điện thờ Pháp Chủ, bỗng đám thợ chụp ảnh văng tục với nhau tơi bời, ngay bên cạnh, át hết lời khấn. Chùa mới xây, tính thiêng là điều trọng. Nếu chủ nhà và những người ăn theo chùa cứ vô văn hóa như vậy, thì đến làm gì?
Những địa điểm văn hóa nói chung, nếu du khách cứ liên tục bị chèo kéo chặt chém trộm cướp, mà địa phương đó cứ để kéo dài nhiều năm, thì có lẽ du khách nên tính đến phong trào tẩy chay. Bởi thật ra, báo chí đã viết quảng bá không công cho hàng quán, cho dịch vụ rất nhiều.
Thì tại sao không lập bản danh sách đen thống kê những địa điểm đáng sợ mà người lương thiện phải tránh xa, để tung lên internet và gửi cho bạn bè mỗi lần họ về Hà Nội.
Như thế sẽ cứu được nhiều người, và như thế mới sòng phẳng. Và đó cũng là một động tác cần thiết để cứu vãn cái văn hóa thương trường – rộng ra là văn hóa giao tiếp của một xứ vốn có truyền thống ngàn năm văn vật.