Danh hiệu nghệ nhân: Bàn lần ba vẫn chưa thông

Danh hiệu nghệ nhân: Bàn lần ba vẫn chưa thông
TP - Lần thứ ba bàn thảo, Nghị định Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vẫn tiếp tục gây tranh cãi.

> Thay đổi ủy viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân
> Phong nghệ nhân - vẫn điệp khúc chờ

Ngoài vấn đề câu chữ, câu chuyện hồ sơ và thời gian thực hành di sản là thắc mắc của đa số người dự hội thảo tại Hà Nội sáng 10/4.

GS. Hoàng Chương đề nghị nghị định càng rõ ràng càng tốt, tránh phải có thêm thông tư hướng dẫn. Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản giải thích: “Hồ sơ chỉ yêu cầu bản khai của nghệ nhân”.

Theo nghị định, nghệ nhân ngoài bản khai thành tích gồm năm bắt đầu thực hành di sản, người truyền nghề, còn phải có tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng với các bằng khen, chứng nhận, video clip, ảnh mô tả… Với các địa phương, việc yêu cầu các nghệ nhân hoàn thành đầy đủ hồ sơ như quy định là khó khả thi.

“Nhà nước phải làm hồ sơ, đừng bắt nghệ nhân làm. Mình tìm người ta chứ người ta biết mình ở đâu mà tìm”, lời GS-TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian VN.

Ông Thanh lấy ví dụ, nghệ nhân ở Mường Tè, người Hà Nhì không biết chữ thì biết nghị định gì mà khai. Ông Thanh đưa kinh nghiệm trao danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội VNDG: Hội cử người đến các xã, huyện, phòng văn hóa để tìm hiểu, chứ không chờ nghệ nhận làm hồ sơ gửi lên.

PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng, trong các điều kiện xét tặng, thì thời gian thực hành di sản là 20 năm (với NNƯT) và 25 năm (với NNND) là không hợp lý: “Phải kết hợp các tiêu chí. Người trẻ phát huy tốt thì nên trao danh hiệu chứ”.

Một số ý kiến cho rằng con số máy móc không chỉ làm khó, không công nhận nghệ nhân trẻ có cống hiến, mà còn khiến việc thẩm định hồ sơ của cơ quan chức năng vướng mắc. Đại diện Sở VHTT&DL Phú Thọ ý kiến về nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch, khi khai hồ sơ chỉ nhớ mang máng từ rất nhỏ đã theo cha đi hát, chứ không cụ thể thời gian nào.

Ông Nguyễn Hữu Trọng (Chủ tịch Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh) kể: Trước kia chẳng biết từ đâu mà tỉnh Bắc Ninh có quy định để được công nhận nghệ nhân thì phải trên 80 tuổi. Nhiều cụ không chờ được, có cụ đến tuổi thì đã quá yếu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tháng 5 tới sẽ có hội thảo bàn bạc lần thứ tư. Vẫn chưa biết bao giờ nghị định hoàn thành. Quan trọng hơn nữa, sau danh hiệu, nghệ nhân có gì ngoài một tấm bằng?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề