Đánh cược với thủy thần

Đánh cược với thủy thần
TP - Hàng nghìn hộ dân sinh sống ven các sông, rạch ở TPHCM, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao đang nơm nớp lo bị cuốn trôi sau khi liên tiếp xảy ra sạt lở gây chết người.

Nguy cơ sạt lở ngày càng cao

Ông Giàu (60 tuổi) trú tại 17/133 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, sạt lở làm hàng chục căn nhà trong hẻm 17 đang lún, nứt, có nguy cơ bị “nuốt” bất cứ lúc nào. Bà Năm, một chủ nhà bị nứt, nói: “Nghe sóng vỗ ì oạch mà đau cả ruột. Đất cát bị cuốn trôi mỗi ngày một ít. Có đêm, tôi nằm mơ thấy đất lở, nhà sập, tỉnh dậy mồ hôi ướt sũng”.

Vì sao chưa di dời khỏi khu vực nguy hiểm? Bà Năm bùi ngùi: “Các gia đình khá giả hoặc có người thân ở TPHCM khi nhận được tiền hỗ trợ sẽ dễ dàng rời đi. Gia đình tôi thuộc diện nghèo, bao đời nay sống bám vào đất này, không có tiền thì biết đi đâu, làm gì và con cái sẽ học hành ra sao. Nếu nhà nước không giải quyết tái định cư thì chúng tôi phải ở đây, không còn cách nào khác”.

Theo lãnh đạo UBND hai phường 26 và 27 (quận Bình Thạnh), bán đảo Thanh Đa - Bình Quới có 6 điểm sạt lở, cần phải nhanh chóng di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Theo kế hoạch, TPHCM sẽ di dời trên 1.000 hộ dân để xây dựng hàng chục kilômét bờ kè chống sạt lở. UBND TPHCM đã đồng ý bố trí tái định cư cho các hộ diện ở quận Gò Vấp. Tuy nhiên, do quỹ nhà không đủ đáp ứng nên tiến độ triển khai rất chậm.

Thống kê của Sở GTVT, TPHCM hiện có 45 điểm có nguy cơ sạt lở cao, tăng 3 điểm so với năm 2010. Nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở kéo dài hàng trăm mét.

Nhiều dự án chống sạt lở bị cắt vốn

Dù sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng, nhưng số lượng công trình, dự án chống sạt lở bờ sông được xây dựng hết sức hạn chế. Ngoài 2 dự án chống sạt lở khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm hoàn thành, đưa vào sử dụng vào đầu năm 2009; dự án xây kè chống sạt lở Rạch Tôm khu vực hạ lưu cầu Bà Sáu và Trường THCS Lê Văn Lương -cơ sở 2 (cùng thuộc huyện Nhà Bè) được triển khai xây dựng từ đầu năm 2010, đến nay, các dự án còn lại đang bị đình trệ.

Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, trong 10 dự án chống sạt lở dự kiến đầu tư trong năm 2011 hiện mới chỉ có 2 dự án (chuyển tiếp từ năm 2010) được cấp vốn thi công. 8 dự án còn lại tạm ngừng triển khai vì thiếu vốn. Việc tạm ngừng cấp vốn cho các dự án năm 2011 là do TPHCM phải cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát.

Trước mắt, để chủ động phòng tránh, ứng phó các sự cố sạt lở, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, phân loại mức độ, đề xuất biện pháp xử lý. Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, trong tháng 5-2011, toàn thành phố đã xảy ra 2 vụ sạt lở tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) và Phường Trường Thọ (quận Thủ Đức), gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Năm 2010, TPHCM xảy ra 5 vụ. Sạt lở thường xảy ra vào đầu và giữa tháng âm lịch, từ 21 giờ đêm đến 2 giờ sáng.

Hồ Dầu Tiếng, hầm Thủ Thiêm là thủ phạm?

Mới đây, tại một cuộc hội thảo về môi trường, TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường khẳng định các hoạt động kinh tế - xã hội gần đây đã tác động không nhỏ đến tiết chế của sông Sài Gòn.

Việc lấp rạch Bến Nghé xây hầm Thủ Thiêm đã khiến nhiều đoạn sông Sài Gòn thay đổi dòng chảy, khiến lực tác động vào hai bên bờ thay đổi, gây nên hiện tượng sạt lở, xói mòn đất.

Theo TS Nguyễn Bá Hoằng, nguyên Phó Liên đoàn Địa chất Thủy văn - Địa chất công trình miền Nam, sông Sài Gòn có lượng phù sa rất lớn nhưng bị hồ Dầu Tiếng giữ lại, trong khi tình trạng khai thác cát trên sông diễn ra bừa bãi. Để cân bằng lượng bùn cát, sông Sài Gòn buộc phải lấy cát từ bờ ra, gây nên hiện tượng sạt lở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG