Đánh bom núi lửa La Palma để ngăn dòng dung nham phun trào, liệu có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
Đánh bom núi lửa La Palma để ngăn dòng dung nham phun trào, liệu có khả thi?
TPO - Một chính trị gia Tây Ban Nha đã đưa ra ý tưởng thả bom vào dòng dung nham nóng bỏng của ngọn núi lửa vẫn đang phun trào ở La Palma có thể là cách để ngăn chặn sự tàn phá của nó. Theo những người ủng hộ ý tưởng, các cuộc ném bom có ​​thể được sử dụng để chuyển hướng dòng dung nham ra khỏi các khu vực đông dân cư.

Núi lửa La Cumbre Vieja ở quần đảo Canary của Tây Ban Nha đã bước vào ngày phun trào thứ 42 vào thứ Hai (1/11). Khoảng 7.000 người dân địa phương đã buộc phải sơ tán khỏi nhà cửa của họ khi các dòng dung nham từ núi lửa bị phun mạnh lên cao tới hàng nghìn mét tàn phá nhà cửa, văn phòng và những vùng đất rộng lớn trên khắp khu vực phía tây nam của hòn đảo, theo Live Science.

Theo khảo sát mới nhất do hệ thống vệ tinh Copernicus của châu Âu thực hiện, dung nham đã phá hủy 2.519 tòa nhà và hiện phủ kín diện tích 9,4 km vuông. Với việc hòn đảo đang chuẩn bị hứng chịu thêm sự tàn phá từ một loạt trận động đất làm rung chuyển hòn đảo trong những ngày gần đây, Casimiro Curbelo, chủ tịch hội đồng thành phố Laomera, một hòn đảo lân cận, đưa ra ý tưởng rằng các dòng dung nham có thể được chuyển hướng bằng cách điều một máy bay đến ném bom.

Đề xuất của Curbelo đã nhận nhiều lời chỉ trích và một số còn so sánh ông với Bruce Willis trong bộ phim "Armageddon", trong đó nhân vật của nam diễn viên được giao nhiệm vụ phá hủy một tiểu hành tinh đang rơi xuống Trái đất bằng một quả bom hạt nhân.

Nhưng bất chấp những chế nhạo, đề xuất kỳ quặc của Curbelo không phải là ý tưởng chưa từng có. Năm 1935, khi dung nham từ núi lửa Mauna Loa của Hawaii bắt đầu chảy đến gần thị trấn Hilo, quân đội Mỹ do tướng George S. Patton chỉ huy đã thả 20 quả bom có ​​sức công phá lớn xuống dòng sông dung nham. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), dòng dung nham đã ngừng lại sau vụ thả bom nhưng thành công của sứ mệnh vẫn còn để lại nhiều tranh cãi trong đó cả phi công và nhà địa chất tham gia nhiệm vụ ném bom đều tin rằng dòng chảy vốn đã đang chậm lại. Các thẩm định sau đó của USGS cũng ủng hộ kết luận rằng sự dừng chảy của dòng dung nham là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, USGS cho biết.

Lui tới thời điểm gần đây hơn, vào năm 1983, một nỗ lực thành công hơn đã được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc nổ để chuyển hướng dòng dung nham của núi Etna (nằm tại đảo Sicilia, Ý) đang phun trào khỏi một ngôi làng gần đó. Các kỹ sư đã đặt khoảng 408 kg thuốc nổ được bao bọc trong các đường ống làm mát bằng nước bên cạnh dòng chảy. Mục đích của họ là làm nổ dòng sông dung nham vào một rãnh nhân tạo. Thử nghiệm đã thành công, theo một trong những kỹ sư vào thời điểm đó cho biết. Phần lớn dung nham đã bị nổ và chuyển hướng vào một rãnh nhân tạo. Nhưng vụ nổ cũng bẻ nhánh một phần dòng dung nham, khiến nhiều người dân địa phương phải cầm xẻng lên núi để xử lý các nhánh mới không nằm trong tiên đoán.

Quân đội Tây Ban Nha chưa đáp lại lời đề nghị của Curbelo, và cả Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng vậy. Tuy nhiên, Sanchez đã hứa sẽ đẩy nhanh việc chuyển viện trợ cho những người dân bị ảnh hưởng.

Vụ phun trào không gây ra bất kỳ trường hợp tử vong nào và cuộc sống vẫn tương đối bình yên đối với 85.000 cư dân sống xa khu vực phía tây bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hòn đảo.

Núi lửa sắp một lần nữa đạt kỷ lục phun trào kéo dài 47 ngày như báo cáo năm 1949, lần phun trào lâu nhất của nó trong lịch sử.

MỚI - NÓNG