Trong một hồ sơ nộp cho Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) ngày thứ Ba, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Facebook tuyên bố hiến “phần lớn cổ phần của anh trong Facebook” để “thúc đẩy sứ mệnh phát triển tiềm năng của con người và tăng cường sự bình đẳng bằng các phương tiện thiện nguyện, vận động dư luận và các hoạt động khác vì mục đích chung”.
Đơn vị sẽ hưởng lợi từ tiền từ thiện của anh là Chan Zuckerberg Initiative LLC, một quỹ từ thiện do Zuckerberg kiểm soát và qua đó anh sẽ kiểm soát Facebook trong “tương lai trước mắt”.
Giống như những nhà tư bản vĩ đại trước anh, bao gồm Bill Gates, Warren Buffett, John D. Rockefeller, và Andrew Carnegie, Zuckerberg kiếm được nhiều tiền và muốn làm việc tốt, nhưng điều đó cũng mang tới lợi ích cho anh.
Năm 2008, David Yermack, một giáo sư về tài chính ở Trường kinh doanh Stern, Đại học New York, đã đăng một nghiên cứu với tựa đề Deductio Ad Absurdum: CEOs Donating Stock to Their Own Family Foundations.
Trong đó, Yermack đặt câu hỏi về giá trị thật sự của những món quà thiện nguyện bằng cổ phiếu của các giám đốc doanh nghiệp. Ông thậm chí cho rằng những món quà đó là một cơ chế để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phân tán cổ phiếu của họ cho người thân mà không bị cáo buộc là giao dịch nội gián. Làm thế cũng cho phép lãnh đạo doanh nghiệp duy trì sự kiểm soát công ty của họ trong tương lai qua những tổ chức mới.
Có lẽ lợi ích lớn nhất với Zuckerberg, hay bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào hiến cổ phiếu cho các quỹ của gia đình họ là anh sẽ có thể chuyển quyền sở hữu cổ phiếu Facebook mà không phải trả thuế.
Dù không được nhắc tới bởi Yermack, Zuckerberg cũng sẽ hưởng lợi vì quỹ của anh sẽ sống lâu hơn anh và những người thừa kế, rồi những người thừa kế của những người này nữa, sẽ không phải đóng thuế thừa kế.
Mark Zuckerberg và vợ, Priscilla Chan chào đón con gái đầu lòng - Max. Ảnh: Getty.
Ngoài ra còn có một lợi ích tức thời: Nhà sáng lập Facebook sẽ có thể giảm một khoản thuế thu nhập rất lớn trong năm mà anh hiến cổ phiếu cho quỹ. Một người hiến tặng lớn như Zuckerberg có thể giảm được tới 1/3 tiền thuế so với khoản hiến tặng. Trong trường hợp này, anh có thể được miễn tới 333 triệu đô-la Mỹ tiền thuế, dựa trên 1 tỉ đô-la Mỹ anh định chuyển giao cho quỹ của mình ban đầu.
Tất nhiên, tất cả những lợi ích này là để khuyến khích người giàu làm từ thiện, nhưng một vấn đề luôn có mặt tốt, mặt xấu. Mặt xấu ở đây là những giao dịch nội gián đáng ngờ.
Yermack viết nghiên cứu của ông trong một thời kỳ nhiều biến động khi luật Sarbanes-Oxley vừa được ban hành yêu cầu các đại gia phải công khai tài chính với những khoản hiến tặng giống như của Zuckerberg.
Yermack đã tìm hiểu những giấy tờ công khai đó và thấy 150 món quà lớn bằng cổ phiếu đã tới các quỹ do chính lãnh đạo doanh nghiệp kiểm soát giai đoạn 2003-2005. Nhưng vì các khoản hiến tặng này không phải là bán cổ phiếu, chúng không bị coi là giao dịch nội gián.
“Bình quân, thời điểm trao tặng qua xảy ra vào lúc giá cổ phiếu công ty đang ở mức đỉnh và gần như sau mọi vụ trao tặng, giá cổ phiếu đều rớt”, Yermack viết.
Cổ phiếu Facebook đã tăng 37,3% trong một năm qua, trong khi cả thị trường chỉ tăng 1%. Điều đó không có nghĩa là cổ phiếu Facebook giờ sẽ rớt giá hay Zuckerberg làm gì khuất tất, nhưng những nhận xét của Yermack là rất đáng chú ý và thật đáng để theo dõi cổ phiếu Facebook trong vài ngày tới.