Đằng sau giải vàng xiếc Việt tại Cuba

TP - “Cánh chim Việt” của trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giành giải cao nhất tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba 2017.

Diễn ra tại thủ đô La Habana từ 25/6-2/7, Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba thuộc top liên hoan quy mô hàng đầu thế giới bên cạnh Montréal (Canada) và Monte - Carlo (Pháp). Xiếc Việt đối mặt nhiều cường quốc xiếc như Mỹ, Nga, Mexico và Cuba, và tiết mục “Cánh chim Việt” đã giành giải Mái bạt vàng-giải cao nhất tại liên hoan này.

Tiết mục nhào lộn trên không được xây dựng từ hình tượng cây tre trên nền nhạc Bèo dạt mây trôi do hai học sinh tài năng Nguyễn Ngọc Ánh và Hồ Nguyễn Thu Thuỳ trình diễn.

Đằng sau giải vàng xiếc Việt tại Cuba ảnh 1 “Cánh chim Việt” đạt giải vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba 2017. Ảnh: TTXVN.

Ông Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng về kỹ thuật, nhiều quốc gia có thể trội hơn, nhưng “Cánh chim Việt” dễ “ăn” giải nhờ tổng thể kỹ thuật hoà quện giữa âm nhạc, trang phục, biên đạo và cấu trúc. Sau liên hoan, một tập đoàn giải trí ở Anh mời trường đem  tiết mục này và vài tiết mục đặc sắc sang biểu diễn vào tháng 3 năm sau trong 6 tháng. Một tập đoàn giải trí Mexico theo lời ông Khánh cuối năm nay sang Việt Nam khảo sát, đề nghị gửi học sinh sang học xiếc.

Thành công này trở thành động lực để trường xiếc muốn “nâng tầm xiếc Việt”, tuy nhiên theo lời lãnh đạo nhà trường, những người yêu nghề vấp phải thách thức không nhỏ. Trường đang vào mùa tuyển sinh đầy gian nan. Từ hơn 8 nghìn thí sinh ban đầu chọn ra hơn 800 thí sinh vào vòng sau. Con số cuối cùng sau ba vòng tuyển lựa dự kiến chỉ chọn 35. Tuy nhiên số này cũng rơi rụng dần trong quá trình đào tạo..

Một loạt khó khăn đối với ngành xiếc tồn tại từ lâu: Thiếu giáo viên-bởi hơn chục giáo viên mới huấn luyện được một học sinh xiếc từ ngày nhập học tới lúc tốt nghiệp, trong khi lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Trường mới được đầu tư cơ sở vật chất với phòng tập 10 nghìn m2 nhưng trang thiết bị sơ sài, nhiều đạo cụ chuyên dụng phải tự chế tạo thủ công.

Ông Hoàng Minh Khánh lấy ví dụ, xe đạp để tập tiết mục thăng bằng trên dây căng cao có khi chất lượng “kém cả xe thồ ngày xưa”. Quy luật đào thải ở ngành xiếc rất mạnh, chưa kể tâm lý học sinh dễ dàng bị lung lay. Nguyễn Ngọc Ánh-vừa đạt giải vàng Cuba thú thực nhiều lần muốn bỏ học, bỏ nghề. Nhà trường nhạy bén giữ Ánh lại làm giáo viên và cử đi học lớp đạo diễn xiếc tại trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh.

Khi được hỏi về tham vọng nâng tầm xiếc Việt, ông Khánh trả lời hiện nay tập trung khai thác thế mạnh của xiếc Việt Nam: Học sinh và diễn viên của ta người nhỏ nên chọn tiết mục phù hợp, không thể đi sâu tiết mục cần thể lực và tầm vóc như thế giới.

Trong lúc chờ đợi sự hỗ trợ và đầu tư nhà nước, trường xiếc đang xây dựng chiến lược để mỗi học sinh có năng lực gì sẽ khai thác sâu năng lực ấy, ai không đáp ứng được sẽ vận động gia đình cho theo nghề khác. Bên cạnh chuyên môn và văn hoá, học sinh trường xiếc bây giờ còn được tiếp cận môn học đạo đức nghề nghiệp để giáo dục các em văn hoá ứng xử, kỹ năng mềm.

MỚI - NÓNG