Đằng sau 2 phiên đen tối của chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, với hàng trăm cổ phiếu giảm sàn mỗi phiên. Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vì bán không công bố 74,8 triệu cổ phiếu.

Phạt 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch 5 tháng

Hiệu ứng domino trên thị trường chứng khoán sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh chưa có dấu hiệu kết thúc. “Họ” FLC nằm sàn 5 phiên liên tiếp, và nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp có dự án tại Thủ Thiêm cũng trong tình trạng tương tự: CII, NBB, QCG…

Sau 5 phiên giảm sàn sau vụ Chủ tịch FLC bán 74,8 cổ phiếu không công bố, vốn hoá FLC “bốc hơi” hơn 4.200 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu giảm hơn 30%. Cổ phiếu FLC và các mã liên quan luôn trong tình trạng trắng bên mua, kết phiên dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị. Nhiều công ty chứng khoán thông báo cắt, hạ tỷ lệ margin (vay ký quỹ) với nhóm cổ phiếu này.

Đằng sau 2 phiên đen tối của chứng khoán ảnh 1

Bán giá sàn vẫn khó thoát hàng, nhà đầu tư đến nay lỗ 30% nếu "đu đỉnh" cổ phiếu FLC ngày 10/1. Ảnh minh hoạ: Như Ý

Ở phiên giảm mạnh nhất 5 tháng (17/1), nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu nằm sàn la liệt do bị call margin (bán giải chấp), kéo theo tâm lý hoảng loạn bán tháo của nhà đầu tư. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý, nghiệp vụ cho vay margin được kiểm soát khá chặt chẽ thông qua tỷ lệ cho vay, giá chặn (giá tối đa để tính giá trị tài sản đảm bảo của tài khoản) và room cho vay trên từng mã.

Nhóm bất động sản, 2 phiên đầu tuần đều có 20 - 30 cổ phiếu giảm sàn. “Dư chấn” của việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn đè nặng nhóm này, trong bối cảnh cổ phiếu bất động sản trước đó đồng loạt tăng mạnh, chạy trước kỳ vọng của nhà đầu tư, vượt xa mọi định giá. Cổ phiếu CEO (CTCP Tập đoàn C.E.O) vừa có tuần giảm giá mạnh (37%), từng bị cảnh báo ở mức độ “cực kỳ nguy hiểm”. Thị giá bị thổi phồng bởi dòng tiền đầu cơ và vượt xa mức định giá hợp lý (21.650 đồng/cổ phiếu) trong kịch bản lạc quan của công ty chứng khoán.

Với tỷ lệ cho vay và giá chặn thấp, rủi ro của các công ty chứng khoán đối với các cổ phiếu này không quá lớn. Tại nhiều công ty chứng khoán, giá chặn cho vay của FLC chỉ 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu, của ROS chỉ khoảng vài nghìn đồng, của DIG dưới 30.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều mã đang trong tình trạng thua lỗ nên không đủ điều kiện được giao dịch ký quỹ… Nhưng, rủi ro từ các “kho” - với tính đòn bẩy cao và danh mục cho vay rộng rãi hơn hẳn, có cả những cổ phiếu không nằm trong danh mục được phép giao dịch ký quỹ do hai Sở công bố - tác động một phần lên đà bán mạnh trên thị trường thì hoàn toàn có thể.

Sang phiên 18/1, sau khi UBCKNN quyết định xử phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch 5 tháng vì bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, giao dịch của nhóm này càng ảm đạm.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh

Về việc huỷ giao dịch bán cổ phiếu FLC không đúng quy định của ông Quyết, lãnh đạo UBCKNN cho biết, đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, sẽ xử lý nghiêm việc này. Đồng thời, Bộ Tài chính giao UBCKNN sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp để ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự.

Trước những ngày đen tối vừa qua của thị trường chứng khoán, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo mối nguy, khi quy luật giá trị trên thị trường đang bị đảo lộn. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, cho rằng, nhà đầu tư nên cẩn trọng với cổ phiếu nhỏ, muốn kiếm tiền thì phải biết điểm dừng.

"Nếu cứ mua cổ phiếu penny, cổ phiếu đội lái, sẽ đến lúc dẫm đạp lên nhau cả thôi, tự mình ra quyết định ăn non cũng được, nếu cứ penny với cổ phiếu đội lái thì về sau trả lại đời hết", ông Thuân nói.

Trên nhiều diễn đàn, những nhà đầu tư có kinh nghiệm đều khuyên các nhà đầu tư mới, ham sử dụng đòn bẩy phải bình tâm.

"Nhiều cổ phiếu đã tăng tới 400-500%, nay là lúc nên trả lại giá trị thực cho thị trường. Nhà đầu tư cũng không nên quá hoảng loạn mà bán tháo, vì phân tích kỹ cho thấy thị trường tăng nóng, cần điều chỉnh nhưng cũng không có nghĩa là sẽ quay đầu giảm hoàn toàn", anh Dũng, một nhà đầu tư có thâm niên, nhận định.

Dòng tiền đầu cơ dần chốt lời cổ phiếu “nóng”, có dấu hiệu dịch chuyển sang nhóm ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm 2021 gần như giậm chân tại chỗ, lép vế trước làn sóng đầu cơ, nay đã lên tiếng. Tuần qua, BID, STB, CTG, VCB, MBB tăng mạnh nhất, kèm thanh khoản cao. STB bứt tốc tăng giá 9,6%. Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là trụ đỡ, giúp thị trường bớt ảm đạm trong phiên 18/1.

MỚI - NÓNG