Đảng Cộng hòa đối mặt nguy cơ thất thế ở lưỡng viện

Tổng thống Mỹ Donald Trump đi vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa tại Montana, ngày 3/11 Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump đi vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa tại Montana, ngày 3/11 Ảnh: Getty Images
TP - Ngày 6/11, cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ mới chính thức diễn ra, nhưng trước đó vài ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump như một ứng cử viên đi lại như con thoi để vận động tranh cử, theo AP.

Trong vòng 6 ngày qua, ông đã tham dự 11 sự kiện vận động tranh cử quốc hội tại 8 bang then chốt của đảng Cộng hòa nhằm giúp đảng này có thể chiến thắng ít nhất là tại Hạ viện khi mà đảng Dân chủ đang giữ thế thượng phong ở cả hai viện. Đảng Cộng hòa đang yếu thế ngày càng rõ nét, có nguy cơ mất quyền kiểm soát tại một hoặc cả hai viện, chấm dứt hai năm chiếm đa số.

Ông Trump hoàn toàn có lý do để phải nỗ lực bởi việc đảng Cộng hòa duy trì được sự kiểm soát tại hạ viện và thượng viện sẽ giúp khẳng định được thương hiệu chính trị và uy tín của ông. Tuy nhiên, điều này được cho là khó xảy ra và ông Trump sẽ gặp khó bội phần nếu có ý định tái tranh cử tổng thống.

Tại cuộc vận động tranh cử ở bang West Virginia ngày 2/11, ông Trump nói sẽ tìm cách để khả năng đảng Dân chủ giành đa số ghế không xảy ra. Trong những ngày nước rút tranh cử, ông Trump và các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã ra sức hứa hẹn về các chính sách nhập cư cứng rắn, tiếp tục cắt giảm thuế.

Tối 2/11, Bộ Lao động Mỹ tung ra báo cáo nói số lượng công ăn việc làm tạo ra trong tháng 10 “tốt hơn bao giờ hết” với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%, thấp nhất trong vòng 50 năm qua, thu nhập của người lao động cũng tăng nhiều nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ thúc giục cử tri phản đối chính sách chia rẽ của ông Trump, Reuters đưa tin. 

Các cuộc trưng cầu dân ý và dự đoán của những người phi đảng phái tại Mỹ đều cho rằng, đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng tại hạ viện mở đường cho các cuộc điều tra nhằm vào chính quyền ông Trump, ngăn cả các chương trình nghị sự của ông. 

Theo Center for Responsive Politics, một đơn vị độc lập chuyên giám sát tài chính bầu cử, bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 được cho là cuộc bầu cử đắt đỏ nhất nước Mỹ khi lần đầu tiên tổng chi tiêu cho các vận động tranh cử vượt 5,2 tỷ USD. Trong lịch sử cũng chỉ mới có 2 kỳ bầu cử lưỡng viện vượt cột mốc 4 tỷ USD là vào năm 2010 và 2016.

MỚI - NÓNG