Ai nấy đều biết, nước chủ nhà SEA Games thường tận dụng tối đa điều lệ đại hội để đưa vào trận địa những môn sở trường của mình đồng thời loại bớt những môn không phải sở trường. SEA Games 26 tại Indonesia do vậy luôn khác với SEA Games ở Thái Lan, ở Malaysia, ở Philippines…
Hệ quả là vấn đề đôi khi không phải là thắng hay thua, giành được bao nhiêu huy chương tại SEA Games, mà là thắng như thế nào, thắng trong môn gì.
Cho dù vẫn biết Đông Nam Á không phải là trung tâm thể thao của châu lục hoặc thế giới, nhưng khu vực này cũng có không ít điểm sáng trong thế giới thể thao đỉnh cao. Điều đáng xem tại SEA Games 26 chính là những gì sẽ diễn ra quanh những điểm sáng có giá trị cao về chuyên môn ấy.
Trận địa quyền Anh chẳng hạn. Từ khi thế kỷ 20 còn chưa khép lại, Thái Lan đã có HCV Olympic ở môn thể thao cực kỳ chính thống này (môn quyền Anh đã xuất hiện trong chương trình thi đấu của Olympic từ năm 1904).
Từ đó đến nay, việc các tay đấm Thái Lan lọt vào vòng tranh chấp huy chương ở trận địa Olympic hoặc giải VĐTG không bao giờ là sự kiện bất ngờ nữa. Hấp dẫn ở chỗ, Thái Lan tuy mạnh nhưng không phải là cường quốc quyền Anh duy nhất trong khu vực.
Philippines cũng rất mạnh trong môn này, cũng thường xuyên có đại diện tranh chấp huy chương ở các giải lớn, thậm chí tranh đai vô địch trên các võ đài quyền Anh nhà nghề.
Đấy là đất nước của Manny Pacquiao (7 lần VĐTG ở những hạng cân khác nhau). Những cuộc so găng giữa các tay đấm Thái Lan, Philippines và chủ nhà Indonesia trên trận địa SEA Games do vậy sẽ có chất lượng chuyên môn rất cao, hoàn toàn không thể gọi là “ao làng” như cái nhìn về đẳng cấp chung của thể thao Đông Nam Á.
Ở môn cầu lông, khu vực Đông Nam Á cũng có quyền tự hào về việc sở hữu tay vợt số 1 thế giới, cho dù tay vợt ấy - Lee Chong Wei của Malaysia, không dự SEA Games kỳ này.
Cũng như quyền Anh, cầu lông Đông Nam Á không chỉ có một ngôi sao duy nhất, cũng không chỉ có một cường quốc duy nhất. Bề dày truyền thống của Indonesia còn đáng nể hơn Malaysia.
Và khi Thái Lan, Việt Nam giới thiệu thêm những đại diện ưu tú thì trận địa cầu lông ở SEA Games thật sự vươn đến đẳng cấp hàng đầu thế giới (hoặc ít nhất cũng rất gần với đẳng cấp ấy).
Cần lưu ý, chiếc HCV cầu lông tại SEA Games có ý nghĩa quan trọng, khác hẳn chức vô địch cá nhân ở các giải đấu nhà nghề, bởi ngoài danh dự cá nhân thì chiếc HCV SEA Games có khi còn gây ảnh hưởng quan trọng đến số lượng huy chương của toàn đoàn.
Kinh nghiệm rành rành, nhờ đúng vào chiếc HCV đôi nam/nữ của Vũ Mạnh Cường/Ngô Thu Thủy trong môn bóng bàn, mà rút cuộc Việt Nam xếp trên Singapore tại SEA Games 19 (năm 1997).
Đấy là một cột mốc mang tính lịch sử kể từ khi thể thao Việt Nam tái hội nhập đấu trường SEA Games (lần đầu tiên qua mặt Singapore). Bóng bàn từng là một trong những trận địa hấp dẫn nhất, đáng xem nhất tại các kỳ SEA Games trước đây, do cuộc đua rất cân sức cân tài giữa Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Bây giờ, tính hấp dẫn trong môn này đã giảm, do tình trạng Singapore luôn áp đảo (nhất là ở các nội dung nữ) nhờ sự hiện diện của các tay vợt đến từ Trung Quốc. Nhưng đấy là chỉ nói về vấn đề cạnh tranh huy chương.
Trận địa bóng bàn SEA Games bây giờ lại rất đáng xem đối với những ai thích thưởng thức tài nghệ của các tay vợt hàng đầu thế giới. Cùng với cầu lông, bóng bàn chính là một trong hai môn thể thao chính thống mà khu vực Đông Nam Á có thể tự hào về đẳng cấp hàng đầu thế giới, với nhiều cá nhân nằm trong “Top 10”.
Tiếc rằng billiards chưa được đưa vào hệ thống các môn thuộc Olympic. Bằng không, đã có thể khẳng định sức mạnh của khu vực Đông Nam Á trong môn thể thao tinh tế này không thua gì các môn bóng bàn hay cầu lông.
Với rất nhiều cơ thủ đã hoặc đang giữ ngôi VĐTG, trận địa billiards ở SEA Games 26 cũng rất đáng xem. Cuối cùng, những trận địa cơ bản của bất cứ đại hội thể thao quan trọng nào: điền kinh, bơi lội và thể dục dụng cụ. Đây luôn là các cuộc tranh tài hấp dẫn của SEA Games, bất chấp đẳng cấp chung về trình độ nằm ở mức nào so với trình độ thế giới.
Theo bongdaplus.vn