Một tranh minh họa trong sách giáo khoa Trung Quốc bị cho là "thân Mỹ" |
Những tranh minh họa bị chê trách đã được đưa vào sách toán cấp tiểu học để sử dụng gần chục năm qua, nhưng bây giờ lại gây tranh cãi vì nhiều lý do.
Một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng tranh vẽ trẻ em với đôi mắt hí, trán dô như vậy quá xấu xí và phân biệt chủng tộc.
Một số người phản đối tranh vẽ trẻ em với cả bộ phận sinh dục nhô ra, trẻ em đang chơi game, một cậu bé đặt tay lên ngực bạn nữ, một học sinh kéo váy bạn, hay hình ảnh một bé gái đang nhảy dây lộ cả quần chip.
Cư dân mạng cũng cho rằng một số tranh vẽ mang ý nghĩa “thân Mỹ” vì trong đó trẻ em mặc quần áo có hình sao và sọc giống màu quốc kỳ Mỹ.
Những tranh vẽ này trở thành chủ đề chính trên mạng xã hội Trung Quốc từ ngày 26/5, khi ảnh chụp một số tranh vẽ được đưa lên mạng. Nhiều hashtag thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo.
Nhiều người bày tỏ cảm giác sốc và giận dữ khi tranh minh họa “chất lượng kém” như vậy được đưa vào sách giáo khoa do Nhà xuất bản giáo dục – đơn vị phát hành sách lớn nhất của Trung Quốc xuất bản, mà không bị phát hiện suốt nhiều năm. Những cuốn sách này được sử dụng trên cả nước từ năm 2013.
Tranh vẽ cậu bé với bộ phận sinh dục nhô ra ngoài bị dư luận phản đối |
Những người có ảnh hưởng trên mạng nhanh chóng gọi đây là “sự xâm nhập của văn hóa phương Tây”, cáo buộc họa sĩ vẽ tranh âm thầm làm việc cho “thế lực nước ngoài”, nhất là Mỹ, để tác động đến tâm hồn của những học sinh ngây thơ.
Giữa những ồn ào đó, Nhà xuất bản Giáo dục đã thu hồi sách và cho biết sẽ thiết kế lại tranh minh họa. Tuy nhiên, quyết định này không đủ để hạ nhiệt dư luận.
Ngày 28/5, Bộ Giáo dục Trung Quốc vào cuộc, chỉ đạo đơn vị xuất bản “uốn nắn và cải cách” công việc xuất bản, bảo đảm ấn phẩm mới sẽ kịp ra mắt vào đầu năm học mới. Bộ cũng chỉ đạo “thanh tra toàn diện” sách giáo khoa trên cả nước để bảo đảm các tài liệu giảng dạy “tuân thủ định hướng chính trị, đề cao văn hóa Trung Quốc và phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng”.
Tuy nhiên, chiến dịch này không chỉ vì các giá trị đạo đức và thẩm mỹ, mà còn có yếu tố tư tưởng. Sách giáo khoa đóng vai trò trung tâm và đi trước trong nỗ lực của các lãnh đạo Trung Quốc nhằm chỉnh đốn tư tưởng của giới trẻ và chống lại ảnh hưởng của phương Tây.
Chính phủ Trung Quốc cấm sử dụng tài liệu giảng dạy của nước ngoài, bao gồm sách giáo khoa và tiểu thuyết kinh điển, trong tất cả trường tiểu học và trung học cơ sở.
Làn sóng chỉ trích sách giáo khoa cũng dẫn đến những cuộc tấn công cá nhân nhằm vào họa sĩ vẽ tranh minh họa.
Wu Yong, người có studio nghệ thuật phụ trách việc vẽ tranh minh họa, bị cáo buộc là tình báo làm việc cho một tổ chức nước ngoài. Trường của Wu là Học viện Nghệ thuật và thiết kế thuộc Đại học Thanh Hoa cũng bị nghi ngờ.
Dư luận Trung Quốc chê tranh vẽ trẻ em mắt nhỏ, trán dô |
Một số người chỉ trích logo của trường, cho rằng nó trông giống một người đang quỳ gối và cầm dĩa. Một số blogger về lịch sử giải thích đây thật ra là hình vẽ phỏng theo văn tự cổ đại của Trung Quốc.
Kể cả Wuheqilin – người gần đây nổi lên trong phong trào chế giễu phương Tây bằng các tác phẩm châm biếm – cũng bị chỉ trích. Một số người cho rằng Wuheqilin đang giúp đỡ các lực lượng chống Trung Quốc sau khi anh cho rằng tranh minh họa có chất lượng kém có thể do việc trả hoa hồng thấp cho các họa sĩ thiết kế. Wuheqilin nói rằng thực trạng này đã kéo dài nhiều năm.
“Tôi cho rằng điều này có thể trở thành vấn đề chính trị mà thiếu cân nhắc hợp lý thực tế”, Dali Yang, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Chicago, nói với CNN.
Trong những ngày gần đây, hàng loạt tài liệu giảng dạy bị chỉ trích trên mạng vì dư luận cho là có ảnh hưởng của văn hóa phương Tây hoặc đề cao những giá trị có vấn đề. Một số người chỉ trích cả tranh minh họa trong sách giáo khoa về giới tính.