Dân than trời vì cách duyệt tái định cư ‘kỳ lạ’ ở Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù nhiều hộ dân tại xã Hoa Động (TP Hải Phòng) đủ điều kiện nhưng không được huyện Thủy Nguyên xét duyệt tái định cư khiến nhiều hộ dân bức xúc, lo cảnh “màn trời chiếu đất”.

Duyệt tái định cư kiểu “hành dân”

Sau gần 2 năm thực hiện Dự án Xây dựng cải tạo đường 359 tại huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) vẫn còn nhiều bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất làm dự án. Đáng chú ý, nhiều hộ dân tại xã Hoa Động dù đủ điều kiện nhưng huyện Thủy Nguyên vẫn chưa xét duyệt tái định cư dẫn đến bức xúc, khiếu nại.

Anh Nguyễn Trung Việt (SN 1985) cho biết, anh và hai người em là Nguyễn Văn Hoàng (SN 1989) và Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1987) được bố mẹ cho mỗi người một mảnh đất 72,5m2 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Tháng 9/2020, huyện Thủy Nguyên ra quyết định thu hồi phần lớn diện tích của 3 lô đất trên. Diện tích đất còn lại sau thu hồi của anh Việt, Hoàng và chị Trang không đủ điều kiện cấp sổ mới và cả 3 hộ đều không có nhà hoặc đất ở khác tại địa phương.

Dù đủ điều kiện bồi thường bằng tái định cư theo quy định nhưng huyện Thủy Nguyên vẫn chưa xét duyệt cho 3 hộ trên. Khiếu nại tới huyện Thủy Nguyên về việc này, anh Việt chỉ nhận được thông báo “bác bỏ” với lý do “không có nhà hoặc công trình trên đất”.

Dân than trời vì cách duyệt tái định cư ‘kỳ lạ’ ở Hải Phòng ảnh 1

Hàng loạt hộ dân tại xã Hoa Động chưa giao mặt bằng do cách duyệt tái định cư kỳ lạ ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Anh Việt cũng cho biết, lô đất do em trai anh là Nguyễn Văn Hoàng đứng tên có công trình xây dựng trên đất và vẫn thường xuyên sử dụng sinh hoạt hằng ngày nhưng cũng không được huyện xét duyệt.

“Tôi và nhiều người cùng xóm phải làm ăn xa để mưu sinh, chưa có tiền xây nhà. Dù đủ điều kiện theo luật định nhưng huyện Thủy Nguyên áp dụng Điều 83, Điều 86 - Luật Đất đai quy định các khoản hỗ trợ tái định cư, không phải điều kiện xét bồi thường bằng đất. Huyện Thủy Nguyên áp dụng sai quy định, đánh tráo khái niệm về xét duyệt tái định cư khiến bà con khốn khổ”, anh Nguyễn Trung Việt nói.

Tương tự, ông Nguyễn Tất Thắng (64 tuổi, ở xã Hoa Động) bức xúc, ông chia cho 3 người con mỗi người một lô đất (từ 78-105m2) để ở và đã được cấp sổ. Năm 2020, huyện Thủy Nguyên thu hồi toàn bộ 650m2 (100%) diện tích của cả 4 bố con nhưng chỉ cấp 1 lô tái định cư.

Quá bức xúc vì cách duyệt tái định cư kiểu “lạ đời”, ông Thắng chật vật thay con đi khiếu nại. Ông Thắng chia sẻ, các con ông phải làm ăn xa và đều không có nhà ở nào khác trên địa bàn xã. Cả năm trời đi khiếu nại, huyện mới duyệt thêm cho hai con ông. Tuy nhiên, một người con của ông Thắng vẫn chưa được cấp tái định cư.

“Huyện thu hồi hết đất của các con tôi nhưng duyệt tái định cư kiểu người có người không. Chúng tôi còn phải làm ăn, mưu sinh, suốt ngày phải vật lộn khiếu nại đòi quyền lợi mà đáng lẽ ra thuộc về mình. Vậy thì làm sao các con tôi có thể ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Tất Thắng nói.

Dân than trời vì cách duyệt tái định cư ‘kỳ lạ’ ở Hải Phòng ảnh 2

Ông Nguyễn Tất Thắng bức xúc vì 4 bố con ông bị thu hồi 100% đất ở nhưng huyện Thủy Nguyên duyệt tái định cư kiểu "người có, người không".

Không có nhà trên đất, không cấp tái định cư

Trao đổi với Tiền Phong về việc này, ông Nguyễn Hồng Tuyên – Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Thủy Nguyên cho biết, khi thu hồi đất của các hộ dân xã Hoa Động, huyện đền bù bằng tiền vì TP Hải Phòng không có quy định đền bù bằng đất.

Việc duyệt tái định cư được áp dụng với các trường hợp phải di chuyển chỗ ở. Các hộ dân không được cấp tái định cư do không có nhà ở trên đất, không phải di chuyển chỗ ở.

Khi phóng viên hỏi, huyện thực hiện theo quy định nào để “bác bỏ” quyền được tái định cư của hộ dân không có nhà trên đất? Trường hợp anh Nguyễn Văn Hoàng có công trình sinh hoạt trên đất cũng không được duyệt? Bốn bố con ông Nguyễn Tất Thắng lại duyệt kiểu người có, người không... thì ông Nguyễn Hồng Tuyên không trả lời.

Dân than trời vì cách duyệt tái định cư ‘kỳ lạ’ ở Hải Phòng ảnh 3

Hộ dân Nguyễn Văn Hoàng có công trình sinh hoạt trên đất cũng không được huyện Thủy Nguyên duyệt tái định cư.

Ai sẽ được bồi thường, tái định cư khi bị thu hồi đất?

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật TAT Law Firm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, một trong các điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nêu tại Điều 75, Luật đất đai là: Người sử dụng đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các trường hợp tại xã Hoa Động (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, áp dụng Điều 79, Luật đất đai, quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau:

Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền;...

Mặt khác, Khoản 1, Điều 6, NĐ 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất ở: Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư...

Trường hợp anh Việt, Hoàng, chị Trang và con ông Thắng, diện tích đất còn lại sau khi bị thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của TP Hải Phòng (diện tích đất ở nông thôn từ 40m2 trở lên).

Luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm, như vậy căn cứ Điều 75, 79 Luật Đất đai và Khoản 1, Điều 6, Nghị định 47, các hộ trên tại xã Hoa Động phải được bồi thường bằng đất ở, trừ trường hợp người dân không có nhu cầu bồi thường bằng đất.

Việc UBND huyện Thuỷ Nguyên cho rằng ông Việt và các hộ cùng xóm không ăn ở sinh sống, không có nhà ở và không phải di chuyển chỗ ở nên không được bồi thường về đất là không có căn cứ. Bởi các hộ này đáp ứng được các điều kiện để được bồi thường về đất nêu trên, trong các điều kiện đó không có bất kỳ quy định nào yêu cầu người sử dụng đất phải có nhà ở hay phải đang sinh sống thực tế trên đất.

Trong vụ việc này, ông Việt đã khiếu nại 2 lần (lần 1 tại UBND huyện Thuỷ Nguyên, lần 2 tại UBND thành phố Hải Phòng) nhưng đều bị bác đơn khiếu nại. Do đó, để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của mình, ông Việt và các hộ dân xã Hoa Động cần khởi kiện vụ việc ra toà hành chính.

MỚI - NÓNG