> Vì sao lãnh đạo Bắc Trà My không muốn tiếp thêm đoàn công tác?
> Yêu cầu EVN khắc phục thiệt hại cho dân ở vùng động đất Bắc Trà My
Trong đó, gồm 832 ha thuộc lâm phận và 487 ha vùng phụ cận lâm phận Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Tranh.
Tại các khu TĐC của thủy điện Sông Tranh 2 ở xã Trà Bùi và Trà Đốc tình trạng người dân bỏ TĐC vì thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu nước sinh hoạt diễn ra nhiều năm nay.
Những tháng qua, do động đất xảy ra liên tục, nguy cơ người dân bỏ TĐC, bỏ làng vào rừng ngày càng tăng, chính sách TĐC ở huyện Bắc Trà My đang đứng trước nguy cơ thất bại.
Tại thôn 3 xã Trà Đốc, ít nhất có 20 hộ dân tại khu TĐC đã gửi đơn lên chính quyền xin bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2, trả lại nhà, đất vườn để vào rừng sinh sống.
Nhiều hộ khác cũng đang rục rịch bỏ khu TĐC để tìm đất sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2005, khi thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng, huyện Bắc Trà My có 834 hộ dân phải TĐC (trong đó có 428 hộ TĐC tập trung) vào 11 khu thuộc 3 xã: Trà Giác (1 khu), Trà Đốc (7 khu), Trà Bui (3 khu).
Tuy nhiên đến nay, người dân các khu TĐC vẫn chưa được cấp diện tích đất cần thiết để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đường sá và các công trình công cộng xuống cấp trầm trọng.
Hiện đã có 38 hộ dân (24 hộ xã Trà Đốc, 14 hộ xã Trà Bui) bỏ nhà TĐC vào rừng để sinh sống. Trong đó, từ đầu năm 2012 đã có gần 20 hộ bỏ đi vì thiếu đất sản xuất và lo sợ động đất.
Cũng vì không có đất sản xuất, nhiều hộ đã đổ xô vào rừng phát nương, làm rẫy. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 19 vụ phá rừng làm rẫy.
So với các năm trước diện tích rừng cũng như các vụ phá rừng đều tăng. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù, hỗ trợ và TĐC thủy điện Sông Tranh 2, cho biết: Nhà dân TĐC được xây dựng theo 3 mức khác nhau tùy vào số nhân khẩu mỗi hộ, thấp nhất 76 triệu đồng và cao nhất là 90 triệu đồng.
Do 38 hộ dân đã bỏ hoang nhà cửa để đi nơi khác nên gây lãng phí hàng trăm triệu đồng tiền xây dựng. Để giải quyết tình trạng trên phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bố trí vốn để nâng cấp đường sá cho các khu TĐC, đồng thời đào mới bổ sung thêm 3 giếng nước. Chủ đầu tư cũng cam kết thực hiện, khắc phục những vấn đề gây bức xúc cho các hộ TĐC.
Được biết, công trình thủy điện Sông Tranh 2 chiếm hơn 2.600 ha đất, trong đó đất lâm nghiệp có rừng hơn 147 ha.
Trước nhu cầu thiết yếu của người dân vùng TĐC, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu huyện Bắc Trà My khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để sớm giao đất cho người dân.
Đối với diện tích đất có gỗ, trước khi tổ chức giao đất cho các hộ dân, yêu cầu huyện chỉ đạo nghành chức năng, hạt kiểm lâm thống kê số lượng và sản lượng gỗ gửi Sở NN&PTNT kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết cho phép khai thác tận dụng.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu chi cục Kiểm lâm phối hợp với BQL rừng phòng hộ Sông Tranh kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác tận dụng gỗ trên diện tích hơn 1.300 ha được phê duyệt, không để xảy ra tình trạng khai thác tận dụng gỗ chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc lợi dụng để khai thác rừng tự nhiên.
Quảng Nam hiện có 22 dự án thủy điện đã và đang được triển khai, có 1.736 hộ dân phải di dời, tái định cư nơi ở mới do ngập lòng hồ và xây dựng các hạng mục khác. Thủy điện Sông Tranh 2 là công trình có số hộ ảnh hưởng lớn nhất với 1.046 hộ. Để xây dựng các dự án Thủy điện, các huyện miền núi của Quảng Nam phải mất 763.581 ha đất và rừng các loại. Trong đó, 10 công trình thủy điện theo quy hoạch bậc thang sông Vu Gia-Thu Bồn chiếm 8.717ha rừng, 34 công trình thủy điện vừa và nhỏ chiếm 2.666ha rừng. Tuy nhiên, đến nay các chủ đầu tư thủy điện cũng chỉ mới trồng và khoanh nuôi tái sinh được tổng cộng gần 300ha rừng. |