Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, độ tuổi trung bình nam giới làm bố lần đầu tiên là 25. Nhưng theo số liệu thống kê gần đây, từ năm 1980-2014 có đến 58% nam giới ở độ tuổi 35 trở lên mới trở thành bố. Điều này cho thấy nam giới có xu hướng lập gia đình và làm bố ngày càng muộn hơn.
Tiến sĩ Robert E. Brannigan, một bác sĩ tiết niệu và các chuyên gia trong y học sinh sản nam của Đại học Northwestern cho biết, tuổi tác nam giới không còn là một mối lo ngại trong việc sinh đẻ. Đa số người cha lớn tuổi không có vấn đề về sinh sản và trẻ sinh ra cũng không có vấn đề về thể chất hoặc sự phát triển khác biệt nào.
Tiến sĩ Bradley Anawalt, một phát ngôn viên của Hiệp hội Nội tiết cho biết, phụ nữ sinh ra đã sở hữu buồng trứng cố định, nhưng đàn ông lại có "nhà máy sản xuất" tinh trùng. Tinh trùng được sản xuất trong suốt cuộc đời của họ.
Nói vậy không phải để nam giới thoải mái yên tâm về khả năng sinh con của mình mà trì hoãn thời gian làm bố. Sau tuổi 30, một số "máy móc thiết bị" của họ sẽ hạn chế, không còn khỏe mạnh, trơn tru như thủa ban đầu. Nguyên nhân có thể đổ lỗi cho việc tiếp xúc với những thứ như bức xạ, chất độc môi trường, lão hóa, tiến sĩ Ranjith Ramasamy, giám đốc y học sinh sản nam và phẫu thuật tại Đại học Miami Miller School of Medicine khuyến cáo.
Ngoài ra, khi đàn ông nhiều tuổi, cơ thể bắt đầu có xu hướng sản xuất ra tinh trùng bị khiếm khuyết, dị dạng, trong đó chứa đột biến ADN có thể gây hại của trẻ sơ sinh. Theo một bài báo được công bố trên tạp chí Nature, trung bình làm cha ở 30 tuổi sẽ có khoảng 55 đột biến cho con cái của mình. Đột biến này tăng theo độ tuổi. Cứ tăng 16,5 tuổi, số lượng đột biến sẽ tăng gấp đôi. Như vậy sau 50 năm, tức là ở độ tuổi 80, lượng đột biến ADN sẽ tăng gấp 8 lần.
Tất nhiên, không phải tất cả đột biến này sẽ gây ra vấn đề sức khỏe song chúng có thể gây khó khăn trong việc thụ thai hoặc sảy thai trong thai kỳ, bác sĩ Ramasamy nói. Ví dụ, một nghiên cứu ở Anh cho thấy người đàn ông ở độ tuổi 35 trở lên có cơ hội thụ thai thấp hơn 50% sau một năm cố gắng so với nam giới tuổi 25.
Ramasamy nói thêm, những đột biến ADN trên còn có thể gây dị tật bẩm sinh, bất thường về nhiễm sắc thể, hoặc các bệnh di truyền khác ở trẻ em. Trong một báo cáo của Baylor College of Medicine, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 86 vấn đề bẩm sinh ở trẻ liên quan đến người cha già.
Cụ thể, trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các chứng loạn sản sụn, tâm thần phân liệt, tự kỷ, bệnh bạch cầu tăng cao nếu sinh từ ông bố độ tuổi 40 trở nên. Ngoài ra, tỷ lệ ung thư cũng tăng vì một số đột biến ADN gây ra, ví dụ, nguy cơ mắc ung thư vú sẽ tăng nếu người cha sinh con gái ở độ tuổi ngoài 40.