Ðan Mạch: Thế nào là hạnh phúc?

Một góc chợ rừng Charlottelund. Ảnh minh họa: P.M.
Một góc chợ rừng Charlottelund. Ảnh minh họa: P.M.
TP - Dân ta biết gì về Ðan Mạch: Quê hương của “Nàng tiên cá” trong truyện cổ Andersen? Ðội bóng từng đánh bại xe tăng Ðức và giành cúp vô địch Euro 1992? Ðất nước có mức sống đắt đỏ hay đây là nơi hạnh phúc nhất nhì thế giới? Ba tuần sống ở Copenhagen đã cho tôi câu trả lời.

Từ chợ rừng Charlottelund…

Một sáng chủ nhật, vợ chồng tôi được người bạn đưa đi chợ rừng Charlottelund. Chợ họp ngoài trời trong một cánh rừng thưa ngay cạnh đường sắt. Khi chúng tôi chơi chợ, hai chuyến tàu chạy nhanh qua, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray bị át đi bởi tiếng ồn ào của phiên chợ mỗi lúc một đông.

Qua bạn giới thiệu tôi được biết chợ họp vào sáng chủ nhật hàng tuần từ khoảng tháng 4 đến cuối tháng 9 (khi tiết trời ấm áp và ngày dài hơn đêm). Chợ bán toàn đồ cũ với các loại hàng hóa tạp pí lù: từ dụng cụ nhà bếp, đến quần áo giày dép, đồ chơi trẻ em, tranh ảnh sách cũ… Chợ rất đông, đa phần là dân sở tại, thỉnh thoảng mới có người nước ngoài như chúng tôi. Tôi có phần ngạc nhiên vì ở đất nước có mức sống cao như thế này, ai thèm đi mua đồ cũ?

Sau một vòng chợ, tôi mới thấy rằng đây không phải là chợ đồ cũ theo đúng nghĩa ở ta. Gọi là đồ cũ nhưng có nhiều thứ rất mới gia chủ không dùng đến nên mang bán rẻ. Bạn tôi kể từng mua được máy vắt cam mới tinh của Đức với giá chỉ hơn trăm nghìn tiền Việt. Mục đích của người bán vì lợi nhuận thì ít mà vì cộng đồng thì nhiều. Trong nhà có đồ cũ không sử dụng đến thay vì vứt đi tạo ra rác thải cho thành phố, họ mang đi bán với giá tượng trưng ở chợ giời để ai có nhu cầu thì mua. Như vậy đồ cũ được sử dụng quay vòng, một cách “tái chế” sáng tạo và bền vững.

Chợ rừng Charlottelund còn là nơi gặp gỡ, trò chuyện của người dân Copenhagen dịp cuối tuần, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư. Các gia đình mang theo con nhỏ và thú cưng dạo chợ. Có khi họ chỉ mua một hai món đồ lặt vặt, nhưng cùng với đó là những bài học sống động cho trẻ nhỏ. Các cháu được tận tay cảm nhận đồ chơi truyền thống hay những trang sách ố màu thời gian, giao lưu chơi đùa với các bạn cùng trang lứa. Người lớn được dịp giải thích cho con cháu về các vật dụng, được hàn huyên với nhau. Người bán vui vẻ chào hỏi người mua, cho trẻ con nghịch đồ chơi thoải mái, thậm chí tặng luôn cho trẻ những món đồ dễ thương. Không có sự chèo kéo người mua, không đôi co mặc cả. Chỉ có không khí vui vẻ thư giãn đi chợ của các gia đình Đan Mạch.

Ðan Mạch: Thế nào là hạnh phúc? ảnh 1 Xe đạp cho thuê tự động tại Copenhagen.

Ðến những chiếc xe đạp Copenhagen…

Từ chợ về, trên ô tô, chúng tôi lướt qua những con phố nhỏ nhắn với những căn nhà thấp, mộc mạc, có vườn và rào cổng xinh xắn. Đường phố lúc nào cũng vắng lặng yên bình (trừ khu bến cảng Nyhavn đông đúc vào mùa hè). Chạy trên đường thưa thớt ô tô, chủ yếu là xe số sàn, bề ngoài tương đối cũ và bụi bặm. Đường đã nhỏ, mỗi bên đường lại dành đến một phần ba cho làn riêng của xe đạp. Copenhagen được mệnh danh là thành phố thân thiện và an toàn nhất thế giới cho người đi xe đạp: có làn đường và đèn hiệu giao thông riêng. Xe bus và tàu điện có càng trước hoặc sau để chở xe đạp của khách. Thành phố đầu tiên trên thế giới có đường cao tốc trên cao riêng cho xe đạp.

Ở Copenhagen, mọi thứ đều giản dị như vậy, từ ô tô, xe đạp, người dân, đến bức tượng đồng Nàng tiên cá nhỏ xíu trước eo biển Oresund hay tượng nhà văn nổi tiếng Andersen bình dị nơi góc phố…

Mặc dù nhà nào cũng sở hữu ô tô, nhưng luôn có hai đến bốn chiếc xe đạp trong gara. Các hoạt động của người dân Copenhagen luôn gắn liền với xe đạp: đi học, đi làm, đi chợ, đưa con đi học, đi dã ngoại… Bất kể thời tiết, người dân vẫn miệt mài sử dụng xe đạp như phương tiện di chuyển chính trong thành phố. Xe đạp thường có rơ-móc để kéo hoặc đẩy xe thùng chở trẻ em (từ sơ sinh đến tiểu học), có giỏ hoặc túi vắt hai bên phía sau để đi chợ. Cả gia đình đi dã ngoại ở xa bằng ô tô thì luôn mang theo xe đạp lớn nhỏ (để ở càng sau hoặc trên nóc xe).

Vì thời tiết tương đối khắc nghiệt vào mùa thu đông nên người đi xe đạp lúc nào cũng nai nịt gọn gàng với những bộ quần áo chuyên dụng và mũ bảo hiểm. Ai trông cũng như cua-rơ chuyên nghiệp vậy. Tôi hiếm khi thấy các cô gái quần là áo lượt trang điểm cầu kỳ trên đường, mà chỉ hay bắt gặp những phụ nữ Bắc Âu cao ráo, ăn mặc giản dị, đi bộ rất nhanh hoặc cong lưng đạp xe ngược chiều gió. Ở Copenhagen, mọi thứ đều giản dị như vậy, từ ô tô, xe đạp, người dân, đến bức tượng đồng Nàng tiên cá nhỏ xíu trước eo biển Oresund hay tượng nhà văn nổi tiếng Andersen bình dị nơi góc phố…

Ðan Mạch: Thế nào là hạnh phúc? ảnh 2 Bức tượng đồng Nàng tiên cá ở Copenhagen bên bờ eo biển Oresund – Một địa danh nổi tiếng của Ðan Mạch.

Và câu chuyện với người hàng xóm

Ở cạnh căn nhà mà vợ chồng tôi ở nhờ của bạn là ngôi nhà hai tầng lợp ngói có một gia đình người Đan Mạch thuê. Anh chồng tên Johan, trạc 45 tuổi, có vợ và 3 con, con trai lớn nhất vừa tốt nghiệp cấp ba. Johan làm cho một công ty máy móc Đan Mạch. Từ ban công nhà bạn tôi có thể nhìn sang vườn nhà Johan nơi có hai cây táo, vườn rau thơm, chuồng gà, thỏ… Khi trời đẹp, cả nhà anh hay ra đó ăn uống hoặc tổ chức tiệc cùng bạn bè. Khi rảnh rỗi, anh thường cùng con trai út tưới cây và chăm sóc vật nuôi...

Một hôm, Johan gõ cửa nhờ bạn tôi sang cho thú nuôi ăn trong 1 tuần vì nhà anh sang Thụy Điển chơi. Johan cẩn thận còn dặn là hàng ngày bạn tôi cứ việc lấy trứng của ba con gà mái mà ăn. Có lần khi tôi đi ngang vườn, Johan ngẩng lên chào tôi. Chúng tôi đứng nói chuyện một hồi và khi trở nên thân thiết hơn, tôi hỏi về cậu con lớn định học ngành gì. Johan thật thà bảo con trai anh đang nghỉ ở nhà một năm và định đi du lịch, tham gia các hoạt động từ thiện ở châu Á vài tháng. Johan nói ở Đan Mạch đó là chuyện bình thường. Nhiều gia đình có con  học cấp 3 xong chưa vội vào đại học mà dành khoảng một năm tham gia các hoạt động xã hội. Bố mẹ cũng không ép mà để con tự lựa chọn việc này…

Sau vài tuần ở Copenhagen, tự nhiên tôi cảm thấy được niềm hạnh phúc của người Đan Mạch mà không cần đến các chỉ số phức tạp trong các bản Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (Đan Mạch xếp số 1 trong các báo cáo từ năm 2012-2016, xếp số 2 trong năm 2017). Dường như tôi đã được tận mắt chứng kiến phong cách sống “hygge” – phong cách sống gần đây được truyền thông coi là bí quyết hạnh phúc của người Bắc Âu. Trong tiếng Đan Mạch, “hygge” có nghĩa là “cảm giác ấm áp của hạnh phúc, dễ chịu, gần gũi trong thời tiết lạnh giá”.

Đối với người Đan Mạch, hạnh phúc chỉ đơn giản và bình dị vậy thôi!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.