Đan Mạch sẽ cung cấp tên lửa diệt hạm để giúp Ukraine giành lại cảng biển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 23/5, Mỹ thông báo Đan Mạch đã cam kết cung cấp tên lửa chống hạm Harpoon và một bệ phóng cho Ukraine. Đây sẽ là lần đầu tiên Kiev nhận được những vũ khí của Mỹ với tầm tấn công đáng kể.
Đan Mạch sẽ cung cấp tên lửa diệt hạm để giúp Ukraine giành lại cảng biển ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo Đan Mạch sẽ cung cấp tên lửa diệt hạm Harpoon cho Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Ukraine vẫn tìm kiếm những vũ khí hiện đại hơn như tên lửa diệt hạm, phòng không và rocket tầm xa, nhưng đa số vũ khí họ nhận được cho đến nay đều là vũ khí tầm ngắn, như tên lửa chống tăng Javelin và pháo.

Tên lửa Harpoon do Boeing sản xuất, có thể được sử dụng để đẩy lùi Hải quân Nga khỏi các cảng của Ukraine trên Biển Đen, từ đó nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và các nông sản khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng ông “đặc biệt biết ơn Đan Mạch hôm nay đã thông báo sẽ cung cấp một bệ phóng và tên lửa Harpoon để giúp Ukraine bảo vệ bờ biển”.

Trước đó, Mỹ tích cực thúc đẩy việc chuyển cho Ukraine vũ khí diệt hạm có tầm hoạt động xa hơn 100km, khi các cảng biển của nước này đang bị tàu và thuỷ lôi bao vây.

“Đây là bước đi quan trọng và có tính toán để tăng cường năng lực và cường độ tác chiến cho Ukraine”, Tom Karako, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đánh giá.

Ông Karako nói thêm rằng loại vũ khí này sẽ “ngăn chặn nguy cơ các tàu chiến của Nga tấn công Ukraine từ Biển Đen hoặc những vị trí khác”.

Một quan chức Mỹ tiết lộ Ukraine đang thiếu nguồn cung tên lửa diệt hạm Neptune, vì thế tên lửa Harpoon sẽ giúp Ukraine có thêm năng lực để đẩy lùi các tàu Nga và dọn dẹp thuỷ lôi.

Với tên lửa Harpoon, Ukraine có thể sẽ phụ thuộc vào dữ liệu về mục tiêu từ các nước khác để có thể sử dụng loại vũ khí này hiệu quả trong tấn công các tàu ở tầm xa hơn, ông Karako cho biết.

Giới chức Mỹ cho biết một số quốc gia sẵn sàng gửi tên lửa Harpoon cho Ukraine, nhưng không nước nào muốn trở thành quốc gia đầu tiên làm điều này do sợ phản ứng của Nga.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch chưa đưa ra bình luận nào.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG