Ảnh minh họa: Telegraph. |
Để vẫn mặc lên người đồ mang tiếng là hiệu nhưng chỉ cần chi ra ít tiền, nhiều người đã phải chọn giải pháp dùng đồ “fake” (hàng giả).
Một báo cáo mới công bố của Confcommercio (Tổng liên đoàn thương mại, du lịch, dịch vụ, nghề nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ Italy) cho thấy, trong 10 tháng năm 2013 (từ tháng Giêng đến tháng 10), có 25,6% số người tiêu dùng Italy đã mua ít nhất một món đồ thời trang theo dạng nhái mẫu mã, hoặc được nhập lậu từ một nước thứ ba vào thị trường nước này.
Ngoài ra, cũng theo Confcommercio, 55,3% số người được hỏi đã từ bỏ những món thời trang đắt tiền để mua những thứ rẻ tiền hơn nhằm tiết kiệm và 80% trả lời họ sẵn sàng hy sinh thói quen dùng đồ hiệu để mua đồ giả, dù biết việc đó là tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.
Theo Confcommercio, con số này tăng hơn so với cuộc điều tra gần nhất của họ vào năm 2010, cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế đã buộc người tiêu dùng nước này có những lựa chọn khó khăn như thế nào, trái ngược với thói quen dùng hàng hiệu nổi tiếng của họ.
Trong tháng 9/2013, tỷ lệ thất nghiệp ở Italy đã đạt con số kỷ lục 12,5%, cao nhất kể từ năm 1977. Cơ quan thống kê Italy, ISTAT cho hay, tính đến cuối năm 2012, số người không có việc làm trong độ tuổi lao động ở Italy đã tăng hơn so với 5 năm trước 1,2 triệu người.
Theo đánh giá của công ty tư vấn trong lĩnh vực thời trang Pambianco, bất chấp khủng hoảng chung của nền kinh tế, ngành thời trang Italy vẫn phát triển tích cực. Năm 2012, doanh thu của ngành này tăng 12% so với năm 2011, đạt 33 tỷ euro.
Pambianco dự đoán, trong năm 2013, ngành công nghiệp mũi nhọn nổi tiếng này của Italy vẫn phát triển ở mức hai con số và vẫn đáp ứng mạnh mẽ nhu cầu thời trang của các thị trường nước ngoài cũng như khách du lịch đến Italy.
Thế nhưng, trái ngược với điều ấy là không khí ảm đạm ngay trong đất nước họ, khi người tiêu dùng khước từ đồ hiệu, sẵn sàng dùng đồ “fake” khi ngày càng thắt lưng buộc bụng hơn.
Theo Trương Anh Ngọc/Rome
Vietnam+