TS Faheem Younus, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của Trường Y thuộc ĐH Maryland, được người Indonesia gọi là selebtwit, nghĩa là ngôi sao trên Twitter. Ông đang dùng mạng xã hội này để chia sẻ những lời khuyên bằng ngôn ngữ Bahasa liên quan đến COVID-19 và những cách làm tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nhiều tweet của TS Younus gây sốt trên Twitter trong mấy tuần qua, khiến ông trở thành ngôi sao trên mạng ở một quốc gia mà người dân rất nghiện mạng xã hội như Indonesia. TS Younus hiện có 360.000 người theo dõi.
“TS Faheem Younus đang là bác sĩ ngôi sao ở Indonesia. Cảm ơn sự quan tâm của ông. Ông là chuyên gia mang đến những gì mà chúng tôi đang cần ngay bây giờ. Chúa phù hộ cho ông”, cô Alissa Wahid, con gái cựu tổng thống Abdurrahman Wahid, viết trên Twiter cuối tuần qua.
Một tweet của TS Younus bằng tiếng Bahasa nói về những hiểu nhầm liên quan đến chất khử trùng |
Số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở Indonesia tăng liên tục từ ngày 24/6, gần đây nhất là gần 32.000 ca mắc và 728 trường hợp tử vong, đều là hai mức kỷ lục theo ngày.
TS Younus cho biết đăng tweet bằng ngôn ngữ Bahasa Indonesia là cách tốt nhất để chuyển tải thông điệp đến những người Indonesia không nói tiếng Anh, khi COVID-19 tiếp tục tàn phá quốc gia này.
Bác sĩ Younus cho biết ông dùng công cụ Google Translate để đăng tweet đầu tiên bằng ngôn ngữ của Indonesia hôm 2/7.
“Tôi biết nó không hoàn hảo. Nhưng tôi không thể cầu toàn trong tình huống nguy cấp này Giờ thì một số người Indonesia tử tế đã giúp tôi dịch các tweet để tôi có thể tiếp tục”, ông cho biết.
Những tweet ban đầu của ông gây hiểu nhầm khi ông dịch chất vi chất “kẽm” thành seng, nghĩa là “mái nhà bằng thiếc” trong tiếng Indonesia.
Nhưng dần dần, cư dân mạng Indonesia nhận thấy tiến bộ rõ rệt trong cách dùng từ của ông, thậm chí có lúc ông dùng cả tiếng lóng địa phương.
TS Younus giải thích cho người dân Indonesia nhiều hiểu nhầm về COVID-19, như dùng chất khử trùng để vệ sinh tay nắm cửa và điện thoại di động, hay ăn nhiều thảo dược như gừng và sả để chữa bệnh.
Ông cũng bác bỏ sự ám ảnh của người Indonesia đối với sữa đóng hộp Bear Brand, khẳng định rằng sữa này hay các loại vitamin không có vai trò gì trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Nhiều người Indonesia tin rằng thương hiệu sữa tiệt trùng này giúp tăng cường hệ miễn dịch, nên đổ xô đến các cửa hàng và sàn thương mại điện tử để mua, khiến giá mặt hàng này tăng vọt trong thời gian qua.
TS Younus trước đây đã đăng tweet bằng tiếng Tây Ban Nha và Urdu khi số người mắc COVID-19 tăng vọt ở Nam Mỹ và Pakistan.