Dân 'đảo chính', Thủ tướng Thái phải sơ tán

Dân 'đảo chính', Thủ tướng Thái phải sơ tán
TP - Hàng nghìn người Thái Lan hôm qua thực hiện cuộc “đảo chính của dân” bằng việc xông vào trụ sở chính phủ, nhiều cơ quan nhà nước, chiếm quyền kiểm soát một đài truyền hình, khiến Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải sơ tán đến địa điểm bí mật.

> Một người bị bắn chết trong biểu tình ở Thái Lan
> Người biểu tình ở Thái Lan vây quanh văn phòng thủ tướng

Ít nhất 56 người thương vong

Tuyên bố Chủ nhật là “ngày chiến thắng” của chiến dịch kéo dài cả tuần nhằm lật đổ bà Yingluck và chấm dứt ảnh hưởng của gia đình Thủ tướng lên đời sống chính trị Thái Lan suốt thập kỷ qua, các thủ lĩnh biểu tình thúc giục đám đông chiếm 10 văn phòng chính phủ, 6 đài truyền hình, nhiều trụ sở cảnh sát cùng Văn phòng Thủ tướng và gọi đây là “cuộc đảo chính của người dân”.

Thủ tướng Yingluck buộc phải sơ tán tới một địa điểm bí mật trong tòa nhà mà bà dự định trả lời phỏng vấn báo chí. Hàng trăm người biểu tình đã chiếm quyền kiểm soát đài truyền hình nhà nước PBS. Đài PBS cũng bị buộc phải ngừng phát sóng các thông báo của chính phủ và Trung tâm Quản lý Trật tự và Hòa bình.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện Quản lý Phát triển Quốc gia Thái Lan (Nida) đưa ra hôm 30/11 cho thấy, 79,1% trong số 1.234 người trả lời đồng ý tổ chức bầu cử lại và phải chống tình trạng mua phiếu. Hơn 2/3 số người trả lời đồng ý với lời kêu gọi của phe biểu tình nhằm thực hiện “cuộc chiến chống tham nhũng”.

Tổng số 2.550 binh lính cùng 180 cảnh sát không mang vũ trang được huy động để tăng cường an ninh ngày 1/12 - thời điểm các thủ lĩnh biểu tình lựa chọn để lật đổ chính phủ. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào đám đông ném đá, chai lọ, gây ra tình trạng hỗn loạn khiến nhiều khu vực của thủ đô Bangkok tê liệt sau một đêm đụng độ bằng súng và dao giữa nhóm chống đối với nhóm ủng hộ chính phủ. Hậu quả là 2 người thiệt mạng, ít nhất 54 người bị thương, theo báo The Nation.

Cảnh sát phải thắt chặt an ninh sau vụ xung đột giữa hai phe gần một sân vận động, nơi khoảng 70.000 người áo đỏ ủng hộ chính phủ đang tụ tập. Một người áo đỏ bị bắn chết bên ngoài sân vận động vào sáng 30/11.

Trước đó, một sinh viên 21 tuổi cũng bị bắn chết. Sau một đêm, các đường phố gần sân vận động trông như chiến trường với ngổn ngang kính vỡ và gạch đá, theo Reuters.

Thủ lĩnh phe áo đỏ Jatuporn Promphan nói rằng, có 4 người trong số họ đã bị giết hại, nhưng con số này chưa được kiểm chứng. Trung tâm cấp cứu Erawan của chính phủ xác nhận 54 người bị thương. Hàng nghìn người ủng hộ chính phủ đã bắt đầu giải tán, đi xe buýt về nhà sau khi cuộc biểu tình của họ bị hủy để làm dịu
căng thẳng.

Có khả năng giải tán Quốc hội

Cảnh sát Bangkok sẽ tiến về khu tổ hợp của chính phủ và Bộ Tài chính để giành lại hai trụ sở quan trọng này từ người biểu tình, phát ngôn viên cảnh sát Piya Uthayo hôm qua thông báo.

Giải tán Hạ viện có thể là “lựa chọn cuối cùng” để giải quyết cuộc xung đột chính trị hiện nay, báo Bangkok Post trích lời quan chức cấp cao thuộc đảng Pheu Thai.

Nguồn tin này nói rằng, các lãnh đạo đảng Pheu Thai đã họp với Thủ tướng Yingluck để bàn một số phương án đối phó cuộc khủng hoảng. “Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để xử lý tình hình. Nhưng nếu thất bại, chúng tôi có thể sẽ phải giải tán Quốc hội”, quan chức này nói.

Giải tán Quốc hội có thể làm dịu đợt biểu tình hiện nay, nhưng khó có khả năng giải quyết cuộc xung đột tư tưởng giữa hai phe. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Pheu Thai gần như chắc chắn sẽ trở lại cầm quyền nếu tổng tuyển cử diễn ra.

Ông Apiwan Wiriyachai, chính trị gia thuộc đảng Pheu Thai, nói rằng đối thoại giữa hai phe là cách tốt nhất để chấm dứt khủng hoảng. Người đứng đầu quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, hôm qua đề nghị làm trung gian cho chính phủ và phe biểu tình.

Ông Apiwan cho rằng, giải tán Quốc hội mà không có đối thoại cũng vô ích, vì cuộc xung đột sẽ trở lại khi Pheu Thai tái đắc cử. Chính phủ Thái Lan đang muốn sửa đổi mục 291 trong Hiến pháp để lập ra hội đồng soạn thảo hiến pháp mới.

Tòa án Hiến pháp gần đây tuyên bố việc sửa đổi mục 291 là vi phạm pháp luật vì Hiến pháp hiện nay đã được xác định bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng có thể bỏ hẳn Hiến pháp hiện nay để viết hiến pháp mới nếu kết quả trưng cầu dân ý cho phép.

Nếu hiến pháp mới ra đời, tất cả thành viên Hạ viện và thượng nghị sĩ sẽ bị cấm tham gia bầu cử, nhằm tạo ra một thế hệ lãnh đạo hoàn toàn mới.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…