Đam mê khoa học, khát vọng cống hiến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là đơn vị có nhiều đề tài, sáng kiến được Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội lần thứ 22 đề nghị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xét trao giải cao, những quân nhân ở Học viện Kỹ thuật Quân sự thêm một lần nữa khẳng định niềm đam mê khoa học và khát khao cống hiến của người trẻ.

Thiết kế vũ khí nhỏ gọn

Dao kết hợp với súng là một loại vũ khí nhỏ gọn được trang bị cho các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Loại vũ khí này vừa có tính năng như một dao găm thông thường, vừa có khả năng “bắn” như súng trong một số trường hợp đặc biệt. Đối với lực lượng đặc nhiệm Việt Nam, dao găm vẫn là loại vũ khí không thể thiếu. Tuy nhiên, vẫn chỉ được sử dụng như dao đơn thuần mà không có khả năng “bắn”.

Đam mê khoa học, khát vọng cống hiến ảnh 1

Thiếu tá, TS. Nguyễn Văn Hưng (bên trái), giảng viên Bộ môn Vũ khí - khoa Vũ khí trao đổi với đồng đội về tính năng của mẫu dao - súng tích hợp cho lực lượng đặc nhiệm

Với ý định tích hợp súng và dao có kích thước nhỏ gọn, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng (giảng viên Bộ môn Vũ khí - khoa Vũ khí) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế thử dao - súng cho lực lượng đặc nhiệm”. Đề tài này được đề nghị trao giải Nhất - Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 22.

Thiếu tá Hưng cho biết, đây là sản phẩm mới, không có mẫu. Vì vậy, các giải pháp khoa học trong đề tài bước đầu hoàn thiện thiết kế trọn bộ một loại vũ khí mới không theo mẫu. Quá trình thực hiện đề tài gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, phải thiết kế, chế thử, rồi hiệu chỉnh thiết kế nhiều lần. Mẫu dao - súng này đã được thử nghiệm qua một số hạng mục để kiểm tra tính năng kỹ chiến thuật và cho kết quả khả quan.

Đại tá Cao Trung Hà, Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 22, Học viện có 37 đề tài, sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả. Trong đó, Hội đồng Giải thưởng đề nghị trao giải Nhất cho 3 công trình, giải Nhì cho 5 công trình, giải Ba cho 7 công trình và giải Khuyến khích cho 6 công trình. Học viện được Hội đồng đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Các đề tài, sáng kiến của Học viện có nội dung nghiên cứu mới, sáng tạo, hàm lượng khoa học cao, có khả năng phát triển và áp dụng vào thực tiễn.

Theo Thiếu tá Hưng, trên cơ sở kết quả ban đầu, nếu được đầu tư nghiên cứu, giai đoạn tiếp theo sẽ định hướng cải tiến, mở rộng tính năng cho dao - súng theo đặc tính kỹ thuật mà đơn vị sử dụng đặt hàng như: đặc công nước, đặc công bộ, biệt động, đặc công dù, hay các lực lượng đặc nhiệm của Bộ Công an...

“Từ mẫu nguyên lý này có thể phát triển thành dao - súng có phát bắn triệt âm/giảm thanh trên cơ sở cải tạo kết cấu của nòng và đạn, hoặc bắn đạn triệt âm. Đồng thời mở rộng tính năng cho dao như cưa, cắt, phá kính, mở vít; hiệu chỉnh lại kích thước, hình dáng sao cho nhỏ gọn, bí mật; thiết kế lại nòng và thiết kế đạn bắn dưới nước để có thể sử dụng cho đặc công nước, người nhái…”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng nói.

Phát hiện chất độc hóa học

Cùng được đề nghị trao giải Nhất, đề tài “Nghiên cứu chế tạo các cấu trúc nano halide perovskite ứng dụng trong cảm biến khí độc” của Thiếu tá Phạm Tiến Hưng (Chủ nhiệm đề tài) và Trung tá Nguyễn Xuân Thấu ở khoa Hóa - Lý kỹ thuật, đã hướng đến một lĩnh vực nghiên cứu mới trong quân đội và tiên phong trong nghiên cứu về nguyên lý, cơ chế làm việc của cảm biến khí trên cơ sở sự thay đổi độ dẫn của vật liệu cảm biến.

Theo nhóm tác giả, thời gian gần đây, chất độc hóa học được sử dụng như một phương tiện để ám sát, tấn công khủng bố hoặc hành động chiến tranh. Do đó, việc tiếp cận và phát triển thiết bị phát hiện chất độc hóa học được quan tâm nghiên cứu tại các cường quốc quân sự, nhằm phát triển các thế hệ cảm biến chất độc quân sự và tích hợp trên các thiết bị quân sự hoặc tích hợp trên áo khoác thông minh để tăng khả năng chiến đấu của quân nhân.

Ở Việt Nam, nhiều nhóm nghiên cứu tại các viện, cũng như các trường đại học lớn trong quân đội đã đi vào nghiên cứu giấy chỉ thị màu để phát hiện chất độc dưới dạng giọt, lỏng; hoặc các thiết bị phát hiện khí độc dựa trên tính chất quang phổ đặc trưng của chúng. Nhược điểm của các phương pháp này là giới hạn phát hiện của thiết bị ở dải nồng độ cao. Do đó, việc phát hiện chất độc dưới dạng sol khí ở nồng độ thấp đang là thách thức với các nhà nghiên cứu trong quân đội.

Theo Thiếu tá Phạm Tiến Hưng, kết quả nghiên cứu của đề tài đã thể hiện trong các công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong và ngoài nước. Sản phẩm của đề tài là vật liệu halide perovskite đã được tổng hợp, có nhiều tính ưu việt hơn so với vật liệu truyền thống.

“Đặc biệt, sản phẩm từ đề tài có khả năng phát hiện khí NO2 ở nhiệt độ phòng, do đó đề tài hoàn toàn có thể cung cấp công nghệ lõi, cũng như vật liệu cảm biến cho Bộ Tư lệnh Hóa học để nghiên cứu, triển khai chế tạo cảm biến phát hiện chất độc NOx, đánh giá nồng độ độc trong chiến tranh thông thường từ các vụ nổ TNT”, Thiếu tá Hưng chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.