Chuyện ít biết về công tác đón chủ tịch Triều Tiên
Gần một năm qua, song mỗi khi nhắc lại công việc chuẩn bị đón, tiễn Chủ tịch Kim Jong-un và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên qua nhà ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng, cán bộ chiến sỹ biên phòng đồn cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn bồi hồi xúc động.
Trung tá Vi Văn Cẩn, Chính trị viên đồn Biên phòng Hữu Nghị cho biết: Từ giữa tháng 2/2019, nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Bộ Tư lệnh biên phòng đã triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh ngay trên khu vực biên giới, đồng thời chỉ đạo các đơn vị biên phòng Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn làm tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho sự kiện đối ngoại chính trị quan trọng của Việt Nam.
Riêng biên phòng Lạng Sơn đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ, trang bị phương tiện, vũ khí và chó nghiệp vụ tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, các chốt, nắm tình hình an ninh trên khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn.
“Với sự chỉ đạo của cấp trên, lực lượng biên phòng Lạng Sơn nói chung và Đồn biên phòng Hữu Nghị nói riêng xây dựng, triển khai kế hoạch hợp đồng tác chiến, huy động 100% quân số trực sẵn sàng chiến đấu, điều động các cán bộ, chiến sỹ tại các đồn biên phòng tham gia bảo vệ các mục tiêu, nắm tình hình trên tuyến biên giới, tăng cường chốt chặn, triển khai trinh sát nắm tình hình”, trung tá Cẩn thuật lại.
Bên cạnh đó, biên phòng Lạng Sơn tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép tại các khu vực đường mòn biên giới. Đồng thời lên kế hoạch bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện bảo vệ an ninh cho đoàn lãnh đạo cấp cao Triều Tiên nhập, xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Ga Đồng Đăng. Tổ chức nắm tình hình, tập trung đánh giá, phân tích, dự báo tình hình, tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau thời gian diễn ra hội nghị, nhất là các tình huống có thể xảy ra tại khu vực thị trấn Đồng Đăng và khu vực ga Đồng Đăng để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, không để bị động, bất ngờ. Lực lượng biên phòng triển khai 31 tổ bảo vệ với 480 cán bộ, chiến sĩ cùng 10 chó nghiệp vụ, 26 xe ô tô tham gia thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức luyện tập phương án bảo vệ và phối hợp với các lực lượng tổ chức bố trí, sử dụng lực lượng bảo vệ tại các vị trí trước khi thực hiện nhiệm vụ. Các vị trí trọng điểm, nhạy cảm, cán bộ, chiến sỹ biên phòng phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức canh gác liên tục cả ngày, đêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn trước và trong thời gian đoàn bạn nhập cảnh và rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
“Trong số những yêu cầu được đưa ra, công tác an toàn được đặt lên hàng đầu, nhất là đoạn tuyến 4,7km từ địa phận Trung Quốc đến ga Đồng Đăng. Các ngành chức năng phải đi khảo sát nhiều ngày, xây dựng các phương án để tàu xuất nhập cảnh thuận lợi, an toàn”, trung tá Cẩn nói.
Trung tá Cẩn cho biết thêm, sáng ngày 24/3, lực lượng chức năng khẩn trương hoàn thành các công việc trang trí, chỉnh sửa lại các bồn hoa, cây cảnh, khẩu hiệu tại khu vực ga Đồng Đăng.
Như lời các lãnh đạo biên phòng Lạng Sơn, những cán bộ, chiến sỹ được phân công làm nhiệm vụ tại “mục tiêu số 1”, nơi kề cận lãnh tụ Triều Tiên qua, lại là những người có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt. Thêm nữa là người đạt tiêu chuẩn về ngoại hình, tinh thông nghiệp vụ.
Đại úy Nguyễn Hải Long, sỹ quan nghiệp vụ của Đồn biên phòng Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), cao 1m70, nặng 60kg được coi là điển trai trong lực lượng biên phòng địa phương được lựa chọn làm tiêu binh ngay sát cầu thang lên xuống, đón Chủ tịch Kim Jong-un. Anh Long kể lại: “Khi được cấp trên giao nhiệm vụ đứng tiêu binh ở góc bên phải cầu thang, bản thân tôi không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, sau một tuần tham gia huấn luyện cùng các đồng đội, tôi tự tin, trưởng thành lên rất nhiều. Hồi hộp nhất là trước khi tàu chở lãnh tụ Triều Tiên đến sân ga. Thời tiết mưa, nhưng tôi như lửa đốt. Tôi cảm thấy vinh dự tự hào khi được tham gia, đóng góp vào sự thành công của sự kiện lớn của đất nước”.
Hướng dẫn khách xuất nhập cảnh. Ảnh: H. Long
Bình yên những cung đường
Tôi gặp lại đại úy Nguyễn Hải Long trong những ngày cuối tháng 12/2020 tại ga đường sắt Đồng Đăng. Bây giờ, Long đã là Trạm trưởng biên phòng cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng.
Long khoe với tôi: Hôm làm nhiệm vụ đón, tiễn đoàn cấp cao Triều Tiên, chúng tôi được mặc “đại lễ”. Khác với mọi hôm, quần áo hôm ấy tinh tươm với áo trắng, thắt cà vạt xanh.
Theo đại úy Long, hiện nay lực lượng biên phòng công tác tại ga Đồng Đăng có 14 cán bộ, chiến sỹ. Tất cả đều am hiểu sâu về nghiệp vụ.
“Trong đơn vị, anh em đều thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung, song chúng tôi có cả cán bộ là người địa phương, nói giỏi tiếng Pạc-và để có thể giao tiếp với những khách Trung Quốc sinh sống ở vùng cao Quảng Tây, giáp với nước ta. Có nhiều trường hợp, người nước bạn chỉ nói được tiếng địa phương và không sử dụng được tiếng phổ thông”, đại úy Long chia sẻ.
Trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Ga Ðồng Ðăng được Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đón và tiễn đoàn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại tỉnh Lạng Sơn trong chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam và dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Theo báo cáo của đơn vị, lực lượng biên phòng tại ga Đồng Đăng làm nhiệm vụ xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường sắt biên giới Việt - Trung. Tuy nhiên, từ ngày 5/2/2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19 nên khách làm thủ tục xuất nhập cảnh thưa vắng, nhưng tàu hàng vẫn hoạt động thường xuyên. Ngày ít một chuyến, ngày nhiều 3 - 4 chuyến.
Chúng tôi đến khu vực Ba Cống (thuộc xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc), nơi đây có một tổ công tác gồm 2 cán bộ, chiến sỹ biên phòng túc trực 24/24 giờ. Khi đoàn tàu Trung Quốc đến điểm nối ray, chiến sỹ biên phòng tiến hành giám hộ hành trình đối với tàu khách, tàu hàng, đồng thời theo đoàn tàu nhập cảnh đến ga quốc tế Đồng Đăng.
Trên những cung đường sắt liên vận qua biên giới Việt Nam- Trung Quốc hai bên đường có những cây gạo trổ bông thắp lửa, như những ngọn đèn thắp sáng biên cương.
Chúng tôi cùng những cán bộ chiến sĩ biên phòng rảo bước trên hai thanh đường sắt song song. Một cung đường hữu nghị bắt đầu từ cân bằng, bình đẳng ấy.