Đảm bảo an toàn lưới điện mùa mưa lũ

Công nhân Công ty Điện lực Đồng Tháp gia cố, bảo vệ lưới điện và thiết bị điện trong lũ. Ảnh: ĐLĐT.
Công nhân Công ty Điện lực Đồng Tháp gia cố, bảo vệ lưới điện và thiết bị điện trong lũ. Ảnh: ĐLĐT.
TP - Phó Tổng giám đốc TCty Điện lực miền Nam (EVN SPC) Hồ Quang Ái trả lời Tiền Phong về việc đảm bảo an toàn lưới điện khu vực Nam bộ trong mùa mưa lũ năm nay.

EVN SPC đã triển khai những kế hoạch, biện pháp gì nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trước khi mùa mưa lũ đến, thưa ông?

Ngay từ đầu năm 2015, EVN SPC đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai. Đó là, củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và lực lượng xung kích từ Tổng công ty đến các đơn vị, cơ sở trực thuộc. Lập kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cụ thể, chi tiết, sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị theo phương châm bốn tại chỗ trong phòng, chống thiên tai. Chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện tổng kiểm tra lưới điện nhằm phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết trên lưới điện trước mùa mưa, bão…

Đảm bảo an toàn lưới điện mùa mưa lũ ảnh 1 Ông Hồ Quang Ái.

Tính đến thời điểm hiện tại, EVN SPC cũng như các đơn vị thành viên đã triển khai những gì để bảo đảm an toàn lưới điện và ứng phó với những tình huống xấu như đã đổ trụ điện, đứt cáp…do mưa bão có thể gây ra?

Tổng Cty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện tốt công tác chuẩn bị, tổ chức ứng phó với tinh thần chủ động, tích cực nên đã khắc phục nhanh sự cố, khôi phục hoạt động cung cấp điện tại những khu vực đã bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn nhất. EVN SPC đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Một là, thực hiện tổng kiểm tra lưới điện trước mùa mưa, bão để khắc phục các khiếm khuyết tồn tại trên lưới điện, trong đó phải xử lý ngay đối với các vị trí có nguy cơ gây ra sự cố và tai nạn cho người dân. Hai là, kiểm tra và nâng cao độ võng đối với các vị trí vượt sông, vượt đường giao thông, đường dây đi qua vùng lũ; phối hợp với cơ quan quản lý đường giao thông lắp đặt, sửa chữa và thay thế biển báo an toàn để cảnh báo người dân trong mùa mưa bão. Ba là, thường xuyên phát quang và dọn dẹp hành lang lưới điện; vận động người dân sinh sống sống dọc theo lưới điện chặt tỉa cây xanh, chằng néo mái tole, di dời ăng-ten... để đảm bảo an toàn lưới điện. Bốn là, làm việc với các cơ sở quảng cáo để hướng dẫn biện pháp an toàn khi làm việc, thi công công trình trong và gần hành lang an toàn lưới điện cao thế; phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý biển hiệu, biển quảng cáo… có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện. Năm là, làm việc với chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình giao thông, cấp thoát nước về các biện pháp an toàn khi làm việc, thi công công trình trong và gần hành lang an toàn lưới điện.

Trong thời gian qua, có những sự cố làm mất điện có nguyên nhân từ phía người dân, ngành Điện có khuyến cáo gì, thưa ông?

Mặc dù EVN SPC đã triển khai thực hiện các giải pháp như kể trên nhưng tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn thường xuyên xảy ra, trong đó nhiều vụ việc có nguyên nhân từ phía người dân. Tính từ đầu tháng 3/2015 đến nay đã có nhiều trường hợp người dân thi công xây dựng nhà khai thác, vận chuyển cây trồng… để va chạm hoặc tiếp xúc gần đường dây dẫn đến phóng điện và gây mất điện trên diện rộng. Phần lớn các trường hợp này xảy ra tại Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai…

Để phòng ngừa các tai nạn điện đáng tiếc có thể xảy ra, EVN SPC đề nghị mọi người dân, nhất là những hộ dân sinh sống dọc theo công trình lưới điện cao áp tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng tránh và sử dụng điện an toàn theo quy định pháp luật và không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp; lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp; trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện; đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác; đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện…

Khi có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở; thi công trình gần hành lang an toàn lưới điện cao áp, đề nghị mọi người liên hệ đơn vị điện lực gần nhất để được hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn cho lưới điện và ngăn ngừa tai nạn điện cho bản thân.

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.