Đắk Lắk: Nguy cơ từ 91 hồ chứa hư hỏng

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đi kiểm tra hồ, đập nước
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đi kiểm tra hồ, đập nước
TP - Gần trăm hồ, đập trên địa bàn Đắk Lắk đã xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cao. Các đơn vị quản lý, vận hành hồ, đập phải cắt cử người trực 24/24 giờ và các hồ bắt đầu xả nước.

Những ngày này, ông Hoàng Văn Trì - nhân viên quản lý hồ Tam Điền (xã Tam Giang, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) thường xuyên túc trực bên hồ kiểm tra tình hình và theo dõi mực nước. Ông Trì cho biết, hồ có diện tích mặt nước hơn 3 ha, hiện đã tích đủ nước. Tuy nhiên, hồ đã xuống cấp, hư hỏng nặng nên đơn vị chủ động mở tràn xả nước dần để đảm bảo an toàn hồ đập.

“Tôi trông coi từ khi đắp hồ đến nay đã gần 20 năm nên biết rõ thực trạng. Kè, mặt đập từ khi đắp đến nay (bằng đất) nên bị xói lở nặng. Tình trạng xói lở diễn ra mạnh nhất vào mùa mưa, tạo thành những hố sâu, đến khi rút nước sẽ thấy rõ. Điều tôi lo nhất, mặt đập cũng chính là đường giao thông. Mùa này người dân đang thu hoạch cây keo, xe tải loại lớn thường xuyên ra vào nên rất nguy hiểm. Chưa kể, tràn xả lũ, cống điều tiết nước cũng bị hư hỏng. Nhà ở gần hồ nên ngày nào tôi cũng túc trực gần như 24/24”, ông Trì nói.

 Ông Vũ Đức Quân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mai Toàn Lợi (đơn vị quản lý, khai thác) thông tin thêm, hồ Tam Điền phục vụ nhu cầu tưới tiêu hơn 80 ha cây trồng của người dân trong xã. Tuy nhiên, hồ đắp đã lâu, hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao. Những vị trí hư hỏng nhẹ, đơn vị đã sửa lại, còn những phần hỏng nặng đang xin kinh phí cấp trên. Trước và trong mùa mưa bão, đơn vị đã chủ động các phương án đảm bảo an toàn như: Cắt cử, tăng cường người túc trực 24/24 giờ; Chủ động xả nước dần để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ vỡ hồ…

Đắk Lắk: Nguy cơ từ 91 hồ chứa hư hỏng ảnh 1 Mặt đập của hồ Tam Điền cũng là đường giao thông

 Tương tự, tại xã Tân Lập (huyện Krông Púk) hiện có 3 hồ chức nước xây dựng lâu, đã xuống cấp. Trong đó, hồ Ea Krăk hư hỏng nặng nhất. Hồ được xây dựng năm 1985, diện tích 8,3 ha, dung tích 650.000 m3, cung cấp nước cho trên 250 ha cây trồng. Từ khi xây dựng đến nay, hồ vẫn chưa được gia cố bê tông nên thường xuyên bị xói lở; Cống điều tiết chưa có, tràn xả lũ không đảm bảo lưu lượng thoát lũ… nên hồ bị liệt vào danh sách các công trình có nguy cơ mất an toàn cao của Đắk Lắk.

 Đắk Lắk hiện có 782 công trình thủy lợi, trong đó 607 hồ, đập chứa nước. Tỉnh này hiện có 91 hồ, đập xuống cấp, hư hỏng, trong đó có 3 hồ đập bị nặng từ mùa mưa lũ năm 2019. UBND tỉnh đã trình trung ương xin kinh phí sửa chữa 11 hồ, đập bị hư hỏng nặng. Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, hiện các hồ, đập đã tích đủ nước. UBND tỉnh yêu cầu chủ đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa; chú ý các công trình bị hư hỏng, túc trực 24/24 tại công trình, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du…

Đợt kiểm tra các công trình thủy lợi trọng điểm (ngày 29/10), Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nhắc lại vụ vỡ đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana) nhấn chìm hơn 2.000 ha lúa vào mùa mưa năm 2019 để yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác hồ, đập đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ; Khi xả lũ phải tuân thủ theo quy trình và thông báo trước cho người dân vùng hạ lưu để kịp thời di dời.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.