> Đại tướng trong trái tim tuổi trẻ Lữ đoàn 144
> Những người canh giấc ngủ Đại tướng ở Vũng Chùa
Những con số thiêng liêng
Đại tướng đã về với đất mẹ, thời gian trong quy luật tuần tự và tiếp diễn chưa thể xoa dịu thương tiếc và buồn đau của người lính cận vệ thầm lặng bên Đại tướng. Những xúc cảm, tâm trạng ấy vẫn vẹn nguyên trong trái tim các anh, như thể Đại tướng mới chỉ giã biệt dương gian ngày hôm qua...
Ngẫu nhiên, những người lính chúng tôi gặp, niềm thương tiếc Đại tướng đều gắn với những con số. Những con số cụ thể xác định thời gian hay số lượng, trở thành thiêng liêng trong tâm thức các anh. Dẫu có biểu đạt giá trị cao nhất về mặt toán học thì con số vẫn bất lực khi định lượng tấm lòng thương yêu, thành kính với Đại tướng của người lính Lữ đoàn 144.
Tại diễn đàn, thiếu tá Nguyễn Tiến Ngành, Trung đội trưởng Trung đội 4 (Đại đội 4, Tiểu đoàn Cảnh vệ 1) lại rưng rưng nhắc đến những con số về sự hiện hữu và ra đi của Đại tướng.
Mốc thời gian tháng 6/2009 được anh lặp lại hai lần - đó là thời điểm Đại tướng bắt đầu nằm điều trị tại Khoa A11, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Anh nhẩm tính đến ngày bác ra đi, anh và đồng đội có 1.559 ngày, đồng nghĩa với 18.708 ca gác bên Đại tướng.
“Sự chi li” về mặt thời gian cho thấy những phút giây bên bậc vĩ nhân được người lính cận vệ trân quý vô cùng.
Thiếu tá Ngành nhớ mãi thời khắc cuối cùng bên bác: “Khoảng 3 giờ chiều, tôi đi kiểm tra mục tiêu trên tầng 2. Qua phòng 207 - phòng điều trị của Đại tướng, tôi nghe thấy các đồng chí y tá gọi bác rất to, rất nhiều lần nhưng bác không tỉnh, tôi đã linh cảm điều chẳng lành. Tôi bước vào, nhạc chuông điện thoại của tôi đổ bài “Quảng Bình quê ta ơi”.
Một đồng chí y tá bảo tôi mở bài đấy cho bác nghe. Tôi mở bài hát, để gần tai bác, mắt bác động đậy... Bác vẫn cảm nhận được... 18 giờ, các đồng chí y tá, bác sĩ đổ dồn về phòng 207. 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, tim bác ngừng đập, tôi nhớ như in khoảnh khắc chấn động đó”.
Từ trái qua, Bí thư Chi đoàn Đại đội 1 Vũ Khắc Trình, phóng viên Nguyễn Minh và Đại tá Vũ Xuân Tiến tại diễn đàn. |
Với binh nhất Trần Văn Tiệp (chiến sĩ thuộc Trung đội 4), thời điểm 22 giờ ngày 6/9/2013 trở thành dấu ấn trong cuộc đời: “Thời điểm đó tôi được hiến máu cho Đại tướng. Khi đó, cơ thể Đại tướng thiếu máu, cần được truyền gấp. Tôi tình nguyện thử và may mắn trùng nhóm máu. Hai ngày sau khi truyền máu, các bác sĩ thông báo bệnh tình của Đại tướng đã qua cơn nguy kịch. Tôi đã vô cùng hạnh phúc. Vậy mà…”
Binh nhất Trần Thế Thanh, người lính làm nhiệm vụ bảo vệ tư gia Đại tướng đã phải kìm nén nước mắt khi chứng kiến những dòng người vô tận vào viếng Đại tướng. Anh không đếm nổi có bao nhiêu dòng người đến đây, nghiêng mình trước anh linh Đại tướng. “Các anh trong văn phòng cho tôi biết, cứ 2 giây có một người vào tưởng niệm Đại tướng”, Trần Thế Thanh nói.
Nguyện noi gương Đại tướng
Mái tóc bạc trắng, Trung tướng Phạm Hồng Cư bồi hồi nhớ về hai mệnh lệnh của Đại tướng. Với ông, hai mệnh lệnh ấy là lời hịch thúc giục tinh thần cách mạng binh sĩ, cho thấy nghệ thuật quân sự tài ba và tầm vóc, sức ảnh hưởng lớn lao của vị tướng huyền thoại.
Đó chính là mệnh lệnh “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca- Thái Nguyên” trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 và mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” trong chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Chi tiết này đã được Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại tại cuộc tọa đàm trực tuyến do báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/10 với chủ đề “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng của Nhân dân”, và được nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phản ánh chi tiết trong bài viết Đại tướng và những mệnh lệnh thấu lòng quân sĩ đăng trên nhật báo Tiền Phong, ngày 11/10).
Đây là diễn đàn được thực hiện đầu tiên và làm điểm cho tất cả các cơ sở Đoàn trong Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng. Thông qua diễn đàn, nhằm góp phần cổ vũ, thúc giục thế hệ trẻ Lữ đoàn nguyện học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao Thiếu tá ĐỒNG QUANG VIỆT, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 144 |
“Chỉ người nào có công lớn và có nhân cách lớn mới được dân yêu. Muốn nhân dân yêu mến quân đội thì người chiến sĩ phải thực sự là Bộ đội Cụ Hồ, mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và học theo tấm gương Đại tướng”, Trung tướng Phạm Hồng Cư nói.
Chia sẻ với khán giả tại diễn đàn, Đại tá Vũ Xuân Tiến, Phó Chính ủy Lữ đoàn cho biết: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Lễ Quốc tang, chúng tôi đã phát động phong trào học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lấy tổ chức Đoàn làm nòng cốt. Ngay trong tháng 10, chúng tôi chỉ đạo Đoàn cơ sở Lữ đoàn phát động phong trào “Tuổi trẻ Lữ đoàn 144 phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện”. Tiếp đó là phong trào “Tự giác, tự quản, tự rèn, xung kích sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Bên cạnh đó, chúng tôi phát động cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng trong toàn cán bộ, ĐVTN, phát động sưu tầm hiện vật, hình ảnh, bài viết liên quan đến Đại tướng, bổ sung vào phòng truyền thống của đơn vị”.
Là khách mời tại diễn đàn, phóng viên Nguyễn Minh (báo Tiền Phong) chia sẻ anh cảm nhận sự bình dị, gần gũi ở người lính cận vệ như một sự lan truyền, tiếp nối từ Đại tướng.
Tình cảm những người lính Lữ đoàn 144 dành cho Đại tướng như đối với một người cha, người ông trong gia đình khiến anh xúc động, truyền thêm cảm xúc sâu sắc khi viết bài. Bên cạnh hai số báo đặc biệt và nhiều chuyên mục, bài viết thể hiện tình cảm sâu sắc, sự kính yêu dành cho Đại tướng, báo Tiền Phong cũng đã mở diễn đàn “Lập thêm những Điện Biên”, với tinh thần noi gương và học tập Đại tướng để cùng biến tình yêu lớn với Người thành hành động cụ thể, lập thêm những chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời bình, đưa đất nước đi lên.
Khách mời tham gia giao lưu gồm: Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; lãnh đạo và một số cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144 làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu và tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, nơi Đại tướng điều trị; Nhà báo Nguyễn Minh (báo Tiền Phong), phóng viên đầu tiên có mặt tác nghiệp về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144, một ngày sau khi Đại tướng đi xa; 103 ĐVTN ưu tú của Lữ đoàn, tượng trưng cho tuổi thọ của Đại tướng tham dự. Nhân dịp này, báo Tiền Phong gửi tặng Lữ đoàn 144 nhiều ấn phẩm của Tiền Phong, trong đó có hai số báo đặc biệt về Đại tướng. |