Trịnh Sướng khai trước HĐXX đã pha trộn xăng giả theo tỉ lệ 40% xăng nền (thật) và 60% còn lại là dung môi, hóa chất. Phụ màu Azo được các bị cáo mua ở chợ Kim Biên để tạo màu phù hợp từng loại xăng. “Tôi pha trộn là sai, nhưng chất lượng xăng đạt 90%”, Trịnh Sướng trả lời câu hỏi của vị đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông.
Bị cáo này còn nói thêm, việc sản xuất xăng A92 lợi nhuận chênh lệch được 400 đồng/lít, còn xăng A95 lợi nhuận 800 đồng/lít so với các đại lý đầu mối phân phối. Tuy nhiên số xăng A92 được sản xuất giả này lại chiếm tới 70% sản lượng xăng giả bán ra thị trường là “do nhu cầu của người tiêu dùng muốn giá thấp, giảm chi phí”, bị cáo Sướng khai.
Cũng theo bị cáo Trịnh Sướng, công ty của ông ta mua hóa chất, dung môi từ bị cáo Mai Trung Hậu (chủ nhà phân phối Thành Long, tại Cần Thơ) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tấn Phúc (chi nhánh Vĩnh Long) bằng hình thức thanh toán chuyển khoản. Nhưng, nội dung ghi chuyển khoản “mua bán xăng dầu”, chứ chưa phải kinh doanh dung môi. “Do công ty bị cáo chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh dung môi, hóa chất nên mới ghi như vậy”, Trịnh Sướng lí giải.
Trong quá trình xét hỏi, ông Trịnh Sướng thường cười, khiến chủ tọa phải nhắc nhở, yêu cầu bị cáo này nghiêm túc.
Trả lời HĐXX, bị cáo Mai Trung Hậu cho biết quen biết với Trịnh Sướng từ năm 2014. Sau đó, Hậu đã nhập dung môi từ Cty cổ phần dầu khí Bình Minh (tại TP Hồ Chí Minh) và của nhiều doanh nghiệp khác để bán cho Trịnh Sướng, hưởng lợi 50 đồng/lít. Trong vụ án này, bị cáo Hậu thừa nhận sai, nhưng cho rằng cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố quá nặng.
Còn bị cáo Hồ Xuân Cường, Giám đốc Công ty cổ phần TMDV Petro Tấn Phúc (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) khai đã mua dung môi cho Công ty Cổ phần dầu khí Bình Minh để bán cho Trịnh Sướng.
Theo cáo trạng, đầu năm 2017, Mai Trung Hậu mua dung môi, hoá chất nhiều doanh nghiệp cung cấp cho Trịnh Sướng. Hậu hưởng chênh lệch 50 đồng/lít dung môi, 50 đồng/kg hóa chất xăng RON. Còn Hồ Xuân Cường hưởng chênh lệch 150 đồng/lít dung môi mua vào và 50 đồng/lít ghi trên hóa đơn GTGT. Cụ thể, Cường xuất khống 38 hóa đơn GTGT với số tiền hơn 348 tỷ đồng, tương ứng với hơn 17 triệu lít xăng giả và được hưởng lợi hơn 3,2 tỷ đồng. Cuối năm 2018, Sướng bàn bạc với Nguyễn Thị Hồng Thủy thành lập Cửa hàng sơn Gia Hưng Phát, nhờ Huỳnh Thị Âu Kim đứng tên làm đại diện pháp luật để mua dung môi, hoá chất…
Tại tòa, bị cáo Trịnh Sướng khai, đã thế chấp đến 90% tài sản của công ty do bị cáo làm chủ tại ngân hàng. Hiện nay có 74 thửa đất của bị cáo này đã bị kê biên, nhưng theo ông Trịnh Sướng thì “ đây là tài sản chung của vợ chồng bị cáo”. Đối với số tiền và tài sản cơ quan chức năng đang tạm giữ, phong tỏa, bị cáo Trịnh Sướng nói, muốn chuyển vào kho bạc để trừ số tiền thu lợi bất chính.