CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố kết quả kinh doanh 2018 với khá nhiều điểm ấn tượng, doanh thu và lợi nhuận đều tăng nhờ việc mở rộng mạng lưới sau khi tiếp nhận dòng vốn ngoại.
Tuy nhiên, cổ phiếu PNJ đang giảm khá mạnh. So với đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp, cổ phiếu doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã giảm khoảng 35% xuống hiện còn 90.000 đồng/cp. Giá trị vốn hóa của PNJ cũng tụt giảm mạnh, bốc hơi khoảng 8 ngàn tỷ đồng, rời xa ngưỡng 1 tỷ USD ghi nhận hồi đầu tháng 4/2018.
Sở dĩ cổ phiếu của nữ đại gia vàng số 1 Việt Nam giảm một phần là do thị trường chứng khoán chung giảm điểm, từ đỉnh cao 1.204 điềm hồi đầu tháng 4/2018 xuống còn dưới 910 điểm như hiện nay.
Nhưng một điều cũng khiến nhiều người lo ngại là khả năng quản trị khi mở rộng mạng lưới và tăng quy mô. Bên cạnh đó, tình trạng vay nợ tăng lên trong khi tồn kho cũng ngày một phình lớn tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp.
Một điểm đáng lưu ý là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PNJ bất ngờ âm 304 tỷ đồng trong năm 2018, thay vì dương 109 tỷ đồng như năm trước đó.
Cũng theo báo cáo, lượng hàng tồn kho của PNJ tăng mạnh lên hơn 4.815 tỷ đồng vào cuối 2018, từ mức 3.400 tỷ đồng hồi đầu năm.
Nợ của PNJ cũng tăng mạnh trong năm vừa qua. Tổng nợ ngắn hạn tăng từ mức 1,49 ngàn tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 2,54 ngàn tỷ cuối năm, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi lên gần 1,56 ngàn tỷ đồng.
Trong năm 2018, PNJ ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 14,7 ngàn try đồng, tăng so với mức 11 ngàn tỷ đồng trong năm 2017. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 960 tỷ đồng, tăng so với mức 724 tỷ đồng trong năm liền trước.
Doanh thu và lợi nhuận PNJ tăng mạnh nhờ việc mở rộng thêm 48 cửa hàng trong năm 2018 ở một thị trường với hơn 90 triệu dân và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh.
Cho tới thời điểm này, PNJ vẫn là một doanh nghiệp hàng đầu và nổi bật trong năm 2018 với kết quả kinh doanh ấn tượng, lãi gấp nhiều lần 2 đối thủ khác là Doji và SJC cho dù doanh thu không nhiều bằng.
PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng vừa tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 8%, tương ứng 800 đồng/cp. Bà Dung hiện đang nắm giữ hơn 15,1 triệu cổ phiếu PNJ sẽ nhận về khoảng 12,1 tỷ đồng trên số cổ phiếu trị giá gần 1,4 ngàn tỷ đồng.
Trước đó, các cổ đông của PNJ trong đó có bà Dung đã nhận tiền tỷ lệ 10% trong đợt 1 hồi tháng 8. Bên cạnh đó các cổ đông của doanh nghiệp vàng bạc đá quý này cũng đã được thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và cán bộ công nhân viên công ty được phát hành gần 4,9 triệu cổ phiếu.
Doanh nghiệp của bà Dung vẫn đang không ngừng mở rộng, sở hữu chuỗi bán lẻ vàng bạc trang sức hàng đầu cả nước, trong khi ông chồng Trần Phương Bình đang dính vào vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
PNJ hiện nắm 7,7% cổ phần tại DongABank nhưng đã trích lập dự phòng đủ 395 tỷ đồng vào năm 2016.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp, VN-Index gặp khó trước ngưỡng 910 điểm cho dù nhóm ngân hàng tiếp tục tăng điểm nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng năm vừa qua.
Nhóm tài chính ngân hàng như: Vietinbank, TPBank, VietinBank Seurities… tăng khá mạnh..
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. Thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể hoạt động tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu bluechips trong rổ VN30. Bên cạnh đó, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, dệt may, thủy sản, thủy điện vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền khi nhóm này điều chỉnh trong các phiên tới. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading đối với các vị thế ngắn hạn trong những tuần cận tết. Tỷ trọng danh mục giai đoạn này nên được duy trì ở mức tối đa 30-35% cổ phiếu.
Rồng Việt cho rằng, Trong ngắn hạn, thị trường đang hình thành nhịp đi ngang với các nhịp tăng giảm xen kẽ. Các cổ phiếu tiếp tục có sự phân hóa tương đối mạnh. Nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan tâm đến các chỉ số chung.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/1, VN-Index tăng 1,63 điểm lên 908,18 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm lên 102,67 điểm. Upcom-Index tăng 0,03 điểm lên 53,89 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 155 triệu đơn vị, trị giá 2,9 ngàn tỷ đồng.