Nữ đại gia vàng số 1 Việt Nam bất ngờ bốc hơi gần 500 tỷ

Bà Cao Thị Ngọc Dung, sếp PNJ.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, sếp PNJ.
Doanh nghiệp của nữ đại gia vàng bạc đá quý Cao Thị Ngọc Dung không còn ở thời kỳ hoàng kim, cổ phiếu bắt đầu lao dốc theo thị trường.

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố thông tin tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 8%, tương ứng 800 đồng/cp, thời gian thực hiện là 14/1/2019.

Bà Dung hiện đang nắm giữ hơn 15,1 triệu cổ phiếu PNJ sẽ nhận về khoảng 12,1 tỷ đồng trên số cổ phiếu trị giá hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, các cổ đông của PNJ trong đó có bà Dung đã nhận tiền tỷ lệ 10% trong đợt 1 hồi tháng 8. Bên cạnh đó, các cổ đông của doanh nghiệp vàng bạc đá quý này cũng được thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và cán bộ công nhân viên công ty được phát hành gần 4,9 triệu cổ phiếu.

Tới thời điểm này, PNJ vẫn là một doanh nghiệp hàng đầu và nổi bật trong năm 2018 với kết quả kinh doanh ấn tượng, lãi gấp nhiều lần 2 đối thủ khác là Doji và SJC cho dù doanh thu không nhiều bằng.

Các nhà đầu tư ngoại đổ nhiều tiền vào PNJ sau khi doanh nghiệp này tìm được nhà đầu tư chiến lược và đẩy mạnh mở rộng chuỗi bán lẻ vàng bạc đá quý trang sức trên phạm vi cả nước. 

Gần đây, ngay sau khi PNJ “hở room”, khối ngoại đã nhanh chóng mua vào 2,38 triệu cổ phiếu doanh nghiệp này, ở mức giá khá cao hơn 106 ngàn đồng/cp, khiến doanh nghiệp này nhanh chóng kín room ngoại 49%.

Mặc dù vậy, trong vài phiên gần đây, cổ phiếu PNJ giảm khá mạnh theo xu hướng chung trên thị trường. PNJ giảm 3 phiên liên tiếp với tổng cộng 5.400 đồng/cp. So với đỉnh cao hồi giữa tháng 10, PNJ đã giảm gần 16.000 đồng/cp, từ mức 110.000 đồng xuống còn 94.000 đồng/cp.

Với mức giảm nói trên, vốn hóa của PNJ đã bốc hơi khoảng 1.450 tỷ đồng. Trong khi đó, túi tiền của bà Cao Thị Ngọc Dũng cũng đã giảm khoảng 470 tỷ đồng xuống còn hơn 1.400 tỷ đồng như hiện tại.

Doanh nghiệp của bà Dung vẫn đang không ngừng mở rộng, sở hữu chuỗi bán lẻ vàng bạc trang sức hàng đầu cả nước, trong khi ông chồng Trần Phương Bình chìm sâu cả cuộc đời tại vụ án Ngân hàng Đông Á (DongABank).

TAND TP.HCM hôm 20/12 vừa tuyên án 26 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB). Trong đó, bị cáo Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc DAB, phó chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐ tín dụng) lãnh tổng mức án là tù chung thân. Còn “Vũ Nhôm” lãnh án 17 năm tù (cùng 8 năm tù án trước đó thành 25 năm tù).

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Phương Bình đã nhiều năm liền che giấu hoạt động thua lỗ của DAB, che giấu hành vi phạm tội của bản thân trong suốt một thời gian dài khiến DAB thua lỗ, không thể khắc phục được.

Bị cáo Bình vụ lợi cho bản thân, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản DAB với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Thực trạng hoạt động kinh doanh của DongABank khá thảm hại. Tới cuối 2015, ngân hàng này lỗ lũy kế hơn 31 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25 ngàn tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán vẫn còn lớn, thanh khoản ở mức thấp. VN-Index chưa thể lấy lại ngưỡng 920 điểm cho dù một số cổ phiếu VN30 hồi phục.

Một số mã lớn như Vietcombank, Petrolimex, Hòa Phát, GAS,... tăng điểm trở lại.

Tuy nhiên, thanh khoản chỉ đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng. Nó cho thấy sự thận trọng đang bao trùm thị trường.

Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

SHS cho rằng, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể tiếp tục giao dịch giằng co khó chịu quanh ngưỡng 920 điểm với nền tảng thanh khoản thấp. SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm dừng các hoạt động mua bán trong giai đoạn này và đứng ngoài thị trường để quan sát thêm do phiên cuối tuần có thể sẽ có diễn biến khó chịu. Sau 3 sự kiện quan trọng trong tuần này thì diễn biến tuần sau có thể trở nên khả quan hơn khi mà tâm lý nhà đầu tư có sự ổn định trở lại.

KIS cho rằng, rủi ro điều chỉnh vẫn còn và VN-Index đóng cửa dưới các ngưỡng quan trọng. Trong trung hạn, xu hướng điều chỉnh chiếm ưu thế do đó nhà đầu tư nên thận trọng, giảm tỷ trọng cổ phiếu và tập trung vào việc quản trị rủi ro.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/12, VN-Index giảm 1 điểm xuống 918,24 điểm; HNX-Index tăng 0,36 điểm lên 104,53 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 52,74 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG