> Vụ kỹ sư Tạch: Tòa sẽ triệu tập TGĐ Cty Toyota Việt Nam
Xét theo quan hệ dân sự thì ông Tachibana ủy quyền cho ông Trung hay cho bất cứ người nào khác, đều không đáng bàn. Đáng bàn là, theo Luật Công đoàn, Chủ tịch Trung đại diện cho chủ sử dụng lao động ra trước tòa tranh tụng với người lao động, là “hơi bị trái” quy định pháp luật.
Điều 11 Luật Công đoàn nêu rõ: “Công đoàn đại diện cho người lao động thương lượng với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức để giải quyết các tranh chấp lao động xảy ra trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình”;
“Người lao động, dù chưa là đoàn viên công đoàn cũng có quyền yêu cầu Ban chấp hành công đoàn đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan”.
Theo quy định trên, ngay khi tranh chấp lao động phát sinh, công đoàn phải tham gia giải quyết với vai trò “đại diện” cho người lao động.
Lật giở hồ sơ kỷ luật kỹ sư Tạch của TMV, người ta thấy Chủ tịch Trung tham gia rất tích cực. Tiếc rằng ngay từ đầu, ông Trung không đứng “đại diện” cho ông Tạch, mà đã đứng hẳn về phía chủ sử dụng lao động.
Cụ thể, ông Trung là người lập biên bản hành vi ông Tạch “làm phiền” ông Tachibana, giúp chủ sử dụng lao động có bằng chứng để chứng minh “lỗi” của người lao động.
Buổi họp xét kỷ luật ông Tạch, ông Trung nhân danh Chủ tịch công đoàn nhận định chắc như cua gạch: “Việc làm của ông Tạch làm xấu đi mối quan hệ lao động hài hòa Cty và tập thể người lao động đã xây dựng trong suốt 15 năm qua”.
Khi ra tòa, ông Tạch có một người bảo vệ, một người đại diện. Hai vị này đều không phải người của Ban chấp hành công đoàn TMV. Họ là những người hiểu tình cảnh ông Tạch, nên đứng ra đại diện, bảo vệ miễn phí cho ông Tạch.
Giả sử có chuyện tòa tuyên ông Tạch thắng kiện, liệu người lao động ở TMV còn tin vào vai trò của công đoàn? Giả sử họ vẫn tin Chủ tịch Trung, vẫn tin vào “mối quan hệ lao động hài hòa suốt 15 năm qua”, khi ấy có lẽ họ cần làm một văn bản gửi đến Quốc hội, đề nghị sửa đổi những quy định cơ bản của Luật Công đoàn.