Đại dịch không ngăn nổi họa sĩ treo tranh

0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Nguyễn Công Hoài và tác phẩm Ảnh: N.M. Hà
Họa sĩ Nguyễn Công Hoài và tác phẩm Ảnh: N.M. Hà
TP - Hà Nội đang diễn ra hai triển lãm tranh ngay giữa thời điểm đại dịch bùng phát. Nhưng có vẻ như trong cái rủi có cái may, khách đến vẫn đông và tranh vẫn bán được. Hình như đại dịch khiến cho các nhà sưu tập hoạt động tích cực hơn?

BÁN CHẠY KHÔNG NGỜ

Một ngày của triển lãm Những ngày không mộng mơ của họa sĩ Nguyễn Công Hoài tại 29 Hàng Bài, Hà Nội không có gì đặc biệt. Ngoài mấy chai nước sát trùng tay bày ở cửa vào, khách và chủ nói chung đều đeo khẩu trang. Riêng họa sĩ còn đeo cả kính râm vì bị đau mắt.

Có vẻ như tranh không ế lắm. Chưa hết khách này đã tới khách khác đến hỏi han và được anh dẫn đi quanh phòng xem tranh. Hình như họ quen biết hoặc hẹn nhau từ trước. Trong mùa dịch dã này, chắc không có người đi xem tranh cho vui. Những người đến phòng tranh đều có mục đích chọn để mua. Tranh của Hoài hầu hết có khổ 80x120cm, giá niêm yết trong khoảng 1.800 đến 2.000 đô.

Đại dịch không ngăn nổi họa sĩ treo tranh ảnh 1

Hai họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng và Lê Thiết Cương tại triển lãm Ký ức. Ảnh: FBNV

Hoài thì chỉ mong bán được 1-2 bức. Vì 3 lần triển lãm trước tại Hà Nội đều không bán được tranh. Nhưng thực tế khiến anh bất ngờ. “Lượng tranh bán được vượt ngoài kỳ vọng của tôi. Mấy lần trước có bao giờ bán được ngay tại triển lãm đâu, đem ra xong đem về quen rồi”. Một người không quen biết Hoài, TS Bùi Quang Thắng, kinh nghiệm tổ chức triển lãm đầy mình, cũng bất ngờ theo: “Điều tôi muốn nói ở đây là có một bước tiến rất dài về thị hiếu của các nhà sưu tập, họ thích những họa sĩ cá tính và những gì ẩn chứa trong từng tác phẩm của anh ta. Đây là điều đáng mừng”. Nhưng biết đâu cũng có thể các kênh đầu tư vào thời điểm đại dịch đang bùng phát đều không khả quan nên mọi người bắt đầu để tâm mua tranh nhiều hơn.

Ban đầu, Hoài lo lắng vì lần đầu tiên tự tổ chức triển lãm lại dính đúng đợt COVID-19 bùng phát. Nhưng anh xác định nghề nghiệp đang thử thách mình, phải tỉnh táo vững vàng vượt qua. “Mọi người đến rải rác thì vui chứ đông quá cũng ngợp. Làm triển lãm ngoài Bắc lần này là lần thứ 3 tôi biết ngày khai mạc đông lắm”, Hoài nhận xét.

Quá trình tổ chức triển lãm anh không gặp khó khăn gì. Lại còn được rất nhiều bạn bè hỗ trợ. Anh cho hay: “Người nhận tranh, người vận chuyển tranh, người lo giấy phép in ấn, tài trợ tiền sách. Anh em mỗi người một tay. Đó là cái may mắn. Những người mua tranh bạn bè cũng dẫn tới luôn chứ tôi đâu quen ai đâu”.

Anh không có lý giải nào khác cho việc tranh đột ngột bán được. “Phong cách, chủ đề của tôi từ xưa vẫn vậy. Chỉ có cái là xưa tôi vẽ nhiều chân dung hơn. Giờ chuyển sang hình thể nữa. Khác cái đó thôi. Mình cứ làm việc. Người ta càng ngày càng yêu nghệ thuật sẽ hiểu tình cảm họa sĩ dành cho công việc, sẽ tôn trọng tác phẩm mình làm ra”, Hoài nói. Có vẻ như chính “hình thể” tức các bức khỏa thân theo lối biểu hiện, không rõ nhân dạng sẽ dễ treo hơn chân dung. Và đó là lý do khiến tranh Hoài bán chạy hơn?!

“Qua cửa triển lãm là thấy hai mô hình lớn của hai cuốn sách ông viết Nguyên lý design thị giác và Bố cục thị giác”- tài liệu giảng dạy của ông hơn hai mươi năm qua ở nhiều trường đại học phía Nam. Tôi đã được đọc hai cuốn sách học thuật đồ sộ rất công phu này của ông, khiến tôi tin rằng ông làm tượng vẽ tranh đều theo nguyên lý đúng/sai của logic tự nhiên. Và những “phá cách” của ông chỉ là ý định thay nguyên lý chung bằng nguyên lý của riêng mình, có thể là vô thức. Đây cũng là hiện tượng phổ quát của nghệ thuật từ “hiện đại” đến “hậu hiện đại” và “đương đại”, thôi thúc bởi mong muốn phải khác biệt, phải “mới”, phải chưa có ai làm như vậy”.Họa sĩ Trịnh Lữ nói về triển lãm của Nguyễn Hồng Hưng

Một khác biệt nho nhỏ nữa là những lần triển lãm trước anh đều dùng chất liệu sơn dầu. Mới đây do việc mua họa phẩm ở Biên Hòa- nơi anh ở gặp chút khó khăn, Hoài thử vẽ giấy và thấy thích. Vẽ trên giấy phóng bút hơn, cảm hứng được thể hiện ra ngay, không phải chờ màu khô như sơn dầu. Hoài chỉ mất 3-4 tiếng để hoàn thiện một bức acrylic trên giấy, trong khi nếu dùng sơn dầu phải mất cả tuần. Có vẽ hỏng cũng đỡ tiếc hơn vì giấy rất rẻ. Và toàn bộ tranh trong triển lãm lần này đều được vẽ trên giấy. Hiệu ứng đem lại thoạt nhìn cũng không khác sơn dầu là bao.

Hoài đến với nghề vẽ không hẳn suôn sẻ. Nhà không có ai làm nghệ thuật. Anh học khoa tạo dáng công nghiệp ở TPHCM được 3 năm thì chán, bỏ. Trở về Biên Hòa, tự mày mò học hội họa từ 2011. Đến 2014 một họa sĩ đàn anh giúp mua “mở hàng”, Hoài thành họa sĩ chuyên nghiệp từ đó. Trước khi sống được bằng nghề, anh cũng từng trải qua nhiều công việc chân tay trong đó có phụ hồ để mưu sinh và nuôi việc vẽ.

KÝ ỨC HÚT KHÁCH

Ký ức là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ-nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng, diễn ra tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, đến 17/5. Không biết có phải vì khoảng cách 29 năm giữa hai lần triển lãm hay không mà buổi khai mạc thu hút rất đông người. Khách khứa đứng chật cả vỉa hè sau khi lấp kín khán phòng.

“Mục đích tôi làm triển lãm chỉ là để mừng thọ 70, ai ngờ mọi người đến đông mà tất cả đều quý mình. Mà mình là người ngoại giao kém, câu trước câu sau dễ làm người ta mất lòng. Thành ra mình cũng cảm động, nhận ra cuộc đời có sự tử tế và mọi người vẫn vô tư”.

Như vậy cả hai triển lãm đều không có lễ khai mạc chính thức. Và đúng nghĩa “cá nhân” theo kiểu họa sĩ tự chịu trách nhiệm. “Tôi thấy Hội Mỹ thuật thông minh (!) Nếu họ bắt hoãn triển lãm, họ phải trả lại tiền thuê nhà. Nên cứ cho mở bình thường nhưng ‘cấm’ khai mạc. Mình thì tiếc tiền (thuê phòng triển lãm) cũng phải tự khai mạc lấy. Hội tuy không chịu trách nhiệm về triển lãm này, chỉ cho thuê nhà triển lãm nhưng vẫn chịu trách nhiệm nội dung, vẫn duyệt tranh”.

Ký ức tập hợp các bức tranh Nguyễn Hồng Hưng vẽ từ những năm 1990 tới nay, sử dụng 4 chất liệu từ acrylic, sơn dầu, sơn mài cho tới mực Tàu. Bên cạnh tranh còn có các tác phẩm đồ họa chữ nghịch lý “nói lên điều không thể thực hiện được trong đời”. Tác giả cắt nghĩa: “Nhìn 2 chiều thì hợp lý, chúng cũng vặn vẹo, uốn khúc, quẹo chỗ nọ chỗ kia. Ổn định về ánh sáng, hình khối, cấu trúc. Nhưng nếu gọi một ông thợ đến bảo gỗ đây, anh làm tôi chữ ý như thế này thì không thể làm được”. Nó cũng giống như những bậc thang vô tận Penrose không thể xây trong thực tế vì phá vỡ các quy luật không gian.

Việc các họa sĩ quyết tâm làm triển lãm trong thời điểm này cũng là phá vỡ thói quen thông thường và khám phá những giới hạn mới. Nếu họ “sợ” COVID-19 mà hoãn hủy thì sẽ thiệt thòi về tình cảm anh em bạn bè và cả kinh tế. Còn lại chỉ biết chúc may mắn và sức khỏe tới các tác giả và tất cả những người từng đến thăm hai triển lãm.

MỚI - NÓNG