Đại biểu Quốc hội: Luật Đấu thầu không phải 'vòng kim cô'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không phải xây dựng Luật Đấu thầu để tạo ra "vòng kim cô" là tốt, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người.

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Đại biểu Quốc hội: Luật Đấu thầu không phải 'vòng kim cô' ảnh 1

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang). (Ảnh: Như Ý)

Chính phủ đề nghị giữ phương án này vì cho rằng, quy định như dự thảo luật không thu hẹp phạm vi áp dụng của luật đối với các gói thầu sử dụng vốn Nhà nước và vốn của DNNN, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp khác.

"Việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Mạnh nêu.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định như dự thảo luật sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn Nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác... sẽ không phải đấu thầu.

Cho ý kiến, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) phân tích, thực tế nhiều DNNN thành lập các pháp nhân, công ty con phục vụ sản xuất kinh doanh. Qua tổng hợp số liệu khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%; 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con.

"Với quan điểm, nơi đâu sử dụng vốn ngân sách thì phải có cơ chế phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cần cơ chế đấu thầu để công khai, minh bạch", đại biểu nêu.

Đại biểu Quốc hội: Luật Đấu thầu không phải 'vòng kim cô' ảnh 2

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). (Ảnh: Như Ý)

Trong khi đó, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty con của DNNN, bởi nếu mở rộng thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng, phạm vi rất rộng.

"Nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN thì có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước", ông Hiếu cũng lo ngại sự tác động việc áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của DNNN đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tranh luận, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) khẳng định, đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các doanh nghiệp nêu trên.

Tiếp tục giơ biển tranh luận, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, không phải xây dựng Luật Đấu thầu để tạo ra "vòng kim cô" là tốt, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi DNNN đầu tư vào một doanh nghiệp khác, có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp kia mà phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết.

"Ai tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý, chứ không phải chỉ dùng Luật Đấu thầu mà khắc phục được tham nhũng, tiêu cực", ông Nghĩa nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG