Luật sư Phan Trung Hoài (Bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh) trình bày, theo biên bản thoả thuận và hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ tháng 10/2012, thời điểm nhóm ông Phạm Công Danh (Cựu Chủ tịch VNCB) tham gia tái cơ cấu cho Trustbank (VNCB, nay là CB), trong đó có khoản tiền chăm sóc khách hàng rất lớn.
Để được vào Trusbank, phía Thiên Thanh khẳng định các hợp đồng, thỏa thuận nêu trên đều là hợp pháp, hợp lệ.
“Tại sao hôm nay lại xuất hiện giai đoạn 2, đây là phiên toà cuối cùng về chuỗi các vụ án. Ngày 6/6/2012, trên cơ sở thoả thuận chuyển giao tài sản bao gồm 2ha đất quận 2 và 114 bất động sản (BĐS). Trong số đất này chưa nêu 2ha đất quận 2 theo biên bản thoả thuận là có chuyển giao, chính các mục này đã thể hiện rõ” – luật sư Hoài nói.
Luật sư Phan Trung Hoài trích dẫn ý kiến của ông Hoàng Văn Toàn (cựu Chủ tịch Trustbank) cho rằng, ông Toàn khẳng định rõ số BĐS này là một thể thống nhất. Về 6 BĐS (2ha đất) ở quận 2, ông Hoài nói nó được sắp xếp từ 1 đến 6 trong hồ sơ chuyển giao cho Thiên Thanh, giai đoạn 1 tòa cho rằng không có việc vay nên giao cho ngân hàng để thu hồi tiền khắc phục hậu quả cho bà Phấn. “Tôi khẳng định, đây là khối tài sản không tách rời của khối tài sản chuyển giao cho Thiên Thanh” – Luật sư Hoài tranh tụng.
Về kháng cáo liên quan đến khoản tiền lãi 756 tỷ đồng mà án sơ thẩm tuyên buộc ông Danh và Thiên Thanh phải trả cho ngân hàng. Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, khoản tiền này là tiền lãi vay của nhóm cổ đông Phú Mỹ với 29 khoản vay và được bảo đảm bằng các bất động sản liên quan.
Khi ông Danh nhận quyền chuyển giao các tài sản thì cũng phải nhận trách nhiệm đối với các khoản vay này. Án sơ thẩm xác định dư nợ của các khoản vay đến tháng 10/2012 là 3.581 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Khoản tiền này ông Danh và nhóm cổ đông Thiên Thanh đã thanh toán nhưng tiền lãi thì chưa trả. Do đó, án sơ thẩm tính số tiền còn lại (gồm cả lãi) là 756 tỷ đồng và buộc ông Danh phải trả.
Luật sư Hải cho rằng, án sơ thẩm đã bỏ quên thực tế là việc chuyển giao cổ phần của ngân hàng và các tài sản thế chấp nằm trong phương án tái cấu trúc ngân hàng, chứ không phải việc mua bán thông thường.
Số tiền cho 29 khoản vay là 3.581 tỷ đồng là gồm cả tiền lãi. Như vậy, sau này án sơ thẩm lại tính 756 tỷ tiền lãi trên số tiền đã có lãi là không đúng căn cứ pháp luật. Luật sư Hải đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm không buộc ông Danh phải hoàn trả số tiền lãi 756 tỷ đồng này.
Đại diện ngân hàng CB không đồng ý với các quan điểm của luật sư bảo vệ cho ông Danh đưa ra. CB cho rằng, trong vụ án này ông Danh không phải là người trực tiếp gây thiệt hại cho ngân hàng. Vì vậy, CB chưa bao giờ yêu cầu ông Danh trả nợ hay tiền lãi trong vụ án này.
Cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, có sự nhầm lần trong quá trình giải quyết vụ án. HĐXX không triệu tập tất cả những người hiện nay đang đứng tên các bất động sản, vì vậy HĐXX không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề dân sự phát sinh.
Phía CB cho rằng Viện KSND cấp cao tại TPHCM đồng ý với quan điểm của các luật sư bảo vệ cho Danh nhưng không đưa ra được các căn cứ để bảo vệ quan điểm trên.
Về số tiền 4.500 tỷ đồng, ông Danh nộp vào để tăng vốn điều lệ, đại diện CB cho rằng không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này. Số tiền trên đã được giải quyết trong vụ án ông Danh và đồng phạm giai đoạn 2 và đang bị kháng nghị giám đốc thẩm.
Việc chuyển giao ngân hàng thì CB cho rằng đã được thông qua trong đề án tái cơ cấu. Mặt khác, trong vụ án này, ông Hoàng Văn Toàn không có quyền lợi và nghĩa vụ liênquan.
Đại diện Viện KSND cấp cao giữ công tố tại phiên tòa đã bảo lưu kháng nghị, đề nghị HĐXX chấp nhận ý kiến luật sư phía ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
HĐXX vào nghị án. Chủ tọa cho biết Tòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 29/6 tới.
Đây là phiên Tòa được mở theo kháng nghị của VKS và kháng cáo các bị cáo cùng các bên liên quan.
Cụ thể, sau khi TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm hồi tháng 9/2019, liền đó Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã có kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm theo hướng không buộc ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải hoàn lại cho ngân hàng CB số tiền 901 tỷ đồng; đề nghị công nhận toàn bộ 114 bất động sản liên quan đến 29 khoản vay là của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Bà Hứa Thị Phấn và 2 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Danh kháng cáo đề nghị xem xét số tiền 901 tỷ đồng phải bồi hoàn lại cho CB vì ngân liên quan đến hành vi sai phạm trong việc đầu tư 4 dự án của bà Phấn trong vụ án.
Ông Phan Thành Mai (cựu Tổng Giám đốc VNCB) kháng cáo đề nghị xem xét không buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh không bồi hoàn 901 tỷ đồng cho CB…
Theo nội dung bản án sơ thẩm, bà Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% Trustbank và cố vấn cao cấp HĐQT, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động của Trustbank.
Bà Phấn chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản do 3 công ty của bà Phấn làm chủ đầu tư, để Phấn chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỷ đồng. Dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo lãnh đạo Trustbank mua 4 bất động sản, chiếm đoạt 437 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỷ đồng.