Ông Trầm Bê lãnh án 4 năm tù
Trong phần tuyên án, HÐXX tuyên phạt bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HÐQT Sacombank) 4 năm tù. Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị tuyên 3 năm tù.
Trong vụ án này, bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang đã trực tiếp gặp, bàn bạc và thống nhất cho bị cáo Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng. Ðồng thời đã yêu cầu bị cáo Danh dùng tiền của VNCB để bảo lãnh cho các khoản vay.
HÐXX nhận định, khi cho bị cáo Danh vay, cả hai biết rõ bị cáo Danh không được phép dùng tiền của VNCB để bảo lãnh vay nhưng vì lợi ích, hai bị cáo đã bỏ qua các quy định để cho bị cáo Danh vay. Hành vi này là cố ý làm trái, tạo điều kiện để bị cáo Danh vay tiền và gây thiệt hại cho VNCB.
Theo HÐXX, nhóm của bị cáo Phạm Công Danh không đủ khả năng tài chính nhưng vẫn tiếp nhận Ngân hàng Ðại Tín - TrustBank (sau này đổi tên thành VNCB) từ nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn. Từ đây, bị cáo Danh và đồng phạm thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội.
Cụ thể, bị cáo Phạm Công Danh do cần có tiền sử dụng nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty lập các hồ sơ khống vay vốn tại các Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Ông Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB.
Bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai biết rõ hành vi phạm tội của mình nhưng vẫn cố ý thực hiện. Bị cáo Danh là chủ mưu cầm đầu, bị cáo Mai là đồng phạm giúp sức tích cực.
Do vậy, HÐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HÐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) 20 năm tù, tổng hợp hình phạt ở bản án trước đó là 30 năm tù. Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị phạt 10 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 22 năm tù.
Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc khối kinh doanh VNCB) bị tuyên phạt 10 năm tù, tổng hợp hình phạt ở bản án trước đó là 30 năm tù. Ngoài ra, có 20 bị cáo bị tuyên từ 2 - 4 năm tù; 19 bị cáo bị phạt từ 2 - 3 năm tù nhưng được hưởng
án treo.
Tòa xác định vật chứng khác với VKS
Liên quan đến thu hồi tải sản khắc phục hậu quả trong đại án này, HÐXX không đồng ý với quan điểm của đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa khi kiến nghị thu hồi 6.100 tỷ đồng (là vật chứng vụ án) từ 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.
Theo HÐXX, trong vụ án này, bị cáo Phạm Công Danh biết rõ không thể vay tiền của VNCB, vì muốn có tiền sử dụng nên bị cáo Danh đã dùng tiền của VNCB gửi ở các ngân hàng bảo lãnh vay tiền. Sau đó, do các công ty của bị cáo Danh không có khả năng trả nợ nên 3 ngân hàng đã thu hồi nợ số tiền của VNCB bảo lãnh.
Bị cáo Phạm Công Danh được xác định là cầm đầu, chủ mưu trong đại án này.
HÐXX đánh giá, việc các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV thu hồi nợ là phù hợp với quy định, do vậy số tiền mà 29 công ty của bị cáo Danh vay mới chính là vật chứng vụ án, chứ không phải là số tiền thu hồi nợ từ VNCB của 3 ngân hàng nói trên như đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa đề nghị. Theo HÐXX, nhận định này phù hợp với giám định của Ngân hàng Nhà nước khi cho rằng 3 ngân hàng trên không bị thiệt hại.
Từ đó, HÐXX đã tuyên thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau gồm: Hơn 2.371 tỷ đồng từ CBBank, hơn 1.600 tỷ đồng từ BIDV, 600 tỷ đồng từ bà Hứa Thị Phấn, 338 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần và Phát triển Hải Tiến, 194 tỷ đồng từ ông Trần Qúi Thanh, 100 tỷ đồng từ Công ty CP Ðầu tư Phát triển Hải Tiến, 57 tỷ đồng từ Công ty Quản lý Qũy Lộc Việt, 36 tỷ đồng từ Sacombank, 33 tỷ đồng từ Agribank, 1,9 tỷ đồng từ OceanBank, 337 triệu đồng từ Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank).
HÐXX cũng đã tuyên thu hồi số tiền 4.500 tỷ đồng được xem như là của bị cáo Phạm Công Danh từ CBBank nhưng khấu trừ đi số tiền vật chứng 2.371 tỷ đồng (được xem như đã thu hồi sau hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh liên quan đến BIDV, TPBank) nên chỉ còn thu hồi số tiền từ CBBank là 2.128 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ dân sự của bị cáo Phạm Công Danh trong cả hai giai đoạn 1,2 của vụ án và các nghĩa vụ dân sự khác của bị cáo này nếu có.
“Tiếp tục phong tỏa đối với 3 tài khoản của Công ty CP Quản lý quỹ Lộc Việt đang bị phong tỏa tại BIDV với số tiền 33 tỷ đồng để bảo đảm thi hành án. Tiếp tục phong tỏa đối với 16.000 cổ phần của công ty này tại Công ty CP Ðầu tư Ðất May Mắn để bảo đảm thi hành án”, HÐXX tuyên.
Ngoài ra, bị cáo Phạm Công Danh phải bồi hoàn cho CBBank 202 tỷ đồng liên quan đến hành vi cố ý làm trái và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank, 502 tỷ đồng liên quan đến hành vi tại TPBank và 41 tỷ đồng liên quan đến hành vi trong việc dùng tiền gửi CBBank vay ở BIDV.
Giải tỏa kê biên 2 mảnh đất của gia đình ông Trầm Bê
Ðối với tài sản liên quan đến bị cáo Trầm Bê, HÐXX tuyên giải tỏa kê biên đối với quyền sử dụng đất ở số 591 (số cũ 26) An Dương Vương (quận Bình Tân, TPHCM) và giải tỏa kê biên đối với quyền sử dụng đất ở số 601 Hồng Bàng (quận 6, TPHCM) giao trả lại cho bị cáo Trầm Bê và vợ con xử lý theo đúng quy định pháp luật.