‘Đại án DongABank’: Vì sao Công ty Vĩnh Thái kháng cáo?

0:00 / 0:00
0:00
‘Đại án DongABank’: Vì sao Công ty Vĩnh Thái kháng cáo?
TPO - Công ty Vĩnh Thái đã có đơn kháng cáo gửi đến Toà án nhân dân Cấp cao tại TPHCM trong vụ án xét xử Trần Phương Bình và đồng phạm ở đại án Đông Á Bank, liên quan đến Khu đô thị Mỹ Gia vì cho rằng không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Tạo sự hoang mang

Trước đó, ngày 27/11/2020, Toà án nhân dân TPHCM đã ban hành bản án hình sự sơ thẩm số 470/2020/HS-ST, phán quyết gói 1 và 1,5ha gói 2 Khu đô thị Mỹ Gia được giao cho Công ty TNHH XD&PT Đô thị Thái An (Công ty Thái An) đầu tư  xây dựng, khai thác và kinh doanh.

Sau khi nhận được bản án của Toà án nhân dân TPHCM Công ty Vĩnh Thái đã có đơn kháng cáo. Theo đó, vụ án sắp được đưa ra xét xử phúc thẩm tại Toà án nhân dân cấp cao tại TPHCM.

‘Đại án DongABank’: Vì sao Công ty Vĩnh Thái kháng cáo? ảnh 1 Sau khi nhận được bản án của Toà án nhân dân TPHCM Công ty Vĩnh Thái đã có đơn kháng cáo. Theo đó, vụ án sắp được đưa ra xét xử phúc thẩm tại Toà án nhân dân cấp cao tại TPHCM.

Ông Nguyễn Quốc Huy người đại diện theo uỷ quyền của Công ty CP Phát triển Đô thị Vĩnh Thái (Công ty Vĩnh Thái) cho rằng, bản án này vô hình chung đã chuyển tài sản là gói 1 và 1,5ha gói 2 Khu đô thị Mỹ Gia từ Công ty Vĩnh Thái, công ty có Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận quyết sử dụng đất hợp pháp đối với toàn bộ Khu đô thị Mỹ Gia, trong đó có gói 1 và 1,5ha gói 2 dự án sang Công ty Thái An gây không ít hoang mang cho giới đầu tư thứ cấp.

Dù Công ty Vĩnh Thái đang là chủ sở hữu hợp pháp của gói 1 và 1,5ha gói 2 dự án, khu đất dự án được Nhà nước giao, cho thuê cho chủ đầu tư là Công ty Vĩnh Thái thực hiện dự án theo đúng Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ pháp lý hợp lệ thế nhưng Tòa án lại dựa vào các giao dịch vô hiệu, không phát sinh hiệu lực để cho rằng gói 1 và 1,5ha gói 2 đã bị chuyển nhượng quyền sở hữu.

Ông Huy dẫn chứng, các giao dịch đó bao gồm, giao dịch 1 vào ngày 11/11/2015, Công ty Vĩnh Thái đã ký Hợp đồng Khung số 03/2015/HĐK với Công ty Thái An liên quan việc hợp tác đầu tư gói 1 và 1,5 ha gói 2 giữa 2 công ty. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty Thái An đã nhiều lần vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng khung 3 và công ty Thái An cũng không đủ khả năng để hoàn thành nghĩa vụ. Do vậy, hợp đồng khung 3 không làm phát sinh quyền của Công ty Thái An đối với gói 1 và 1,5 ha gói 2 dự án.

Giao dịch 2, Công ty Thái An không có quyền sở hữu đối với 2 gói dự án này. Thế nhưng ngày 26/12/2012, Công ty Thái An lại ký Hợp đồng thế chấp số H0050-12/TC với Ngân hàng Đông Á để thế chấp gói 1 và 1,5 ha đất gói 2 dự án mà không hề cho Công ty Vĩnh Thái biết.

“Việc Đông Á Bank nhận tài sản thế chấp là các lô đất gói 1 và 1,5 ha gói 2 dự án vào thời điểm năm 2012 từ Công ty Thái An khi các lô đất không thuộc quyền sở hữu của Công ty Thái An (chưa được cấp sổ đỏ), và thậm chí chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng xong đất là trái pháp luật dân sự, pháp luật kinh doanh bất động sản”, ông Huy nói.

Đơn kháng cáo của Công ty Vĩnh Thái cho rằng, dựa vào Kết luận định giá số 798/KL-HĐĐGTTHS ngày 9/3/2018, và Công văn số 11.06/CV-GT/ASIAN ngày 11/06/2020, để xác định gói 1 và 1,5 ha gói 2 thuộc 100% vốn góp của Công ty Thái An trong khi 2 tài liệu này có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, không phù hợp thực tế khách quan và chứng cứ của Vụ án, dẫn đến xác định sai số tiền khắc phục thiệt hại mà bị cáo Trần Phương Bình và các bị cáo có liên quan gây ra cho Đông Á Bank được sử dụng làm cơ sở định tội cho các bị cáo.

Trước phiên xét xử, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Công văn số 8704/UBND-NC ngày 25/8/2020 gửi Tòa án Nhân dân TPHCM một lần nữa khẳng định, theo hồ sơ đất đai lưu tại Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa thì Công ty CP Phát triển Đô thị Vĩnh Thái là pháp nhân được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Gia. Do đó, không có cơ sở để thực hiện việc bàn giao đất từ Công ty CP Phát triển Đô thị Vĩnh Thái sang Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Đô thị Thái An.

Đại diện Công ty Vĩnh Thái cho rằng, những nhận định nêu trên đã không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư theo quy định pháp luật, tạo ra sự hoang mang trong cộng đồng các nhà đầu tư.

Cần bỏ kê biên 29% cổ phần của Công ty Vĩnh Thái

Đối với 29% cổ phần của công ty TNHH Xây dựng Bách Việt tại Công ty Vĩnh Thái, bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TPHCM cũng xác định đây là tài sản của Trần Phương Bình, được Bình giao cho các cá nhân, tổ chức khác đứng tên, hiện toàn bộ cổ phần cũng đang được thế chấp vay tiền tại Đông Á Bank, toàn bộ số tiền vay cũng được Trần Phương Bình chỉ đạo sử dụng. Do đó tiếp tục kê biên 29% cổ phần nêu trên và phần tài sản liên quan đến số cổ phần này để đảm bảo cho ngân hàng Đông Á xử lý thu hồi các khoản nợ được thế chấp bằng tài sản này.

Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sự IDVN, Tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ qua một nội dung rất quan trọng là số cổ phần nói trên do Công ty Bách việt đang nắm giữ thực chất là cổ phần khống, bởi nó chưa hề được thanh toán và hồ sơ đăng ký kinh doanh liên quan đến số cổ phần này đã bị làm sai. Hơn nữa, việc công nhận giá trị của số cổ phần này là trái với quy định của Luật doanh nghiệp. 

‘Đại án DongABank’: Vì sao Công ty Vĩnh Thái kháng cáo? ảnh 2 Phối cảnh dự án Khu đô thị Mỹ Gia.

Cụ thể, Công ty Vĩnh Thái được thành lập bởi 3 cổ đông sáng lập là ông Cao Ngọc Huy, bà Nguyễn Thanh Thủy và Công ty TTC. Tuy nhiên vào thời điểm năm 2007, khi Công ty Vĩnh Thái lại có nhu cầu tăng vốn, cổ đông TTC đã không thanh toán 181.040.000.000 đồng tiền mua 181.040 cổ phần bởi không có hợp đồng mua bán cổ phần mới phát hành hoặc các bằng chứng thể hiện có sự giao dịch mua bán 181.040 cổ phần giữa Cổ đông TTC và Công ty Vĩnh Thái, đồng thời sổ sách kế toán của Công ty Vĩnh Thái không ghi nhận khoản thanh toán mua cổ phần của Cổ đông TTC.

Đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2005, cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông, kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty. Còn cổ đông TTC đã không thanh toán tiền mua 181.040 cổ phần và do đó chưa thể coi 181.040 cổ phần là đã bán cho cổ đông TTC.

Cũng theo đơn kháng cáo của Công ty Vĩnh Thái, sau một quá trình chuyển giao cổ phần từ TTC cho Nguyễn Thiện Nhân, thực chất là các thủ đoạn của Trần Phương Bình, Nguyễn Thiện Nhân và những người có liên quan để phục vụ cho việc rút tiền từ Ngân hàng Đông Á. Do đó, số cổ phần khống đã phát hành cho cổ đông Công ty TTC và nay là thuộc sở hữu của Công ty Bách Việt là trái pháp luật, không có giá trị.

Tuy nhiên, những vấn đề này đều chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét trong bản án mà đã vội vàng kết luận đây là tài sản của công ty Bách Việt và tuyên tiếp tục kê biên đối với số tài sản này. Hiện tại, Công ty Vĩnh Thái đã kháng cáo đối với toàn bộ nội dung có liên quan nêu trên của bản án sơ thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

MỚI - NÓNG