‘Đại án’ DongABank: Trần Phương Bình nói về khu ‘đất vàng’ Ba Son

Cựu Tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
Cựu Tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
TPO - Thừa nhận ‘sức hút’ của ‘đất vàng’ Ba Son, ông Bình cũng thừa nhận luôn hành vi sai phạm của mình.

Hôm nay (25/6), tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xử vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đông Á (DongABank - giai đoạn 2) thất thoát hơn 8.800 tỷ đồng, HĐXX  tiến hành xét hỏi nhiều nội dung liên quan đến khu ‘đất vàng’ Ba Son.

Trong vụ án này, Công ty CP M&C (Cty M&C) có giao dịch vay vốn với DongABank. Cụ thể là Công ty Ba Son (Cty Ba Son, chủ dự án) và Cty M&C ký hợp đồng đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM).

Sau khi Cty M&C đặt cọc 500 tỷ đồng để hợp tác với Cty Ba Son, ông Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty M&C) đề nghị DongABank rót vốn. Ông Trần Phương Bình (Tổng giám đốc DongABank) đề nghị DongABank sẽ tham gia khai thác dự án sau này, đồng ý nhận tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai.

 Liền đó ông Bình và cấp dưới duyệt cho phía ông Khánh vay 1.520 tỷ đồng, thế chấp tài sản trên tại DongABank mà không đề cập đến Cty Ba Son. Trong khi, đây mới là đơn vị có quyền đối với quyền sử dụng đất tại số 2 Tôn Đức Thắng, là chủ đầu tư dự án.

 VKS cho rằng Dự án Trung tâm Phức hợp Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện làm tài sản đảm bảo. Ông Phùng Ngọc Khánh và Trần Phương Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống, thế chấp trái phiếu không có giá trị. Tổng thiệt hại DongABank gánh từ việc làm sai trái do 2 bị cáo trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là hơn 3.400 tỷ đồng.

 Tại phiên tòa, trả lời HĐXX ông Bình thừa nhận mình duyệt hồ sơ như vậy là trái quy định pháp luật, lý giải việc chấp thuận với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đáo hạn nợ cũ, chứ không hề có ý trục lợi.

 “Khi làm việc với Cty Ba Son, bị cáo cho rằng nếu 2 doanh nghiệp hợp tác khai thác dự án thì họ có thể trả nợ. Dù lường trước rủi ro nhưng bị cáo nghĩ nên tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp rồi đâm lao phải theo lao…” - Cựu Tổng giám đốc Trần Phương Bình khai trước tòa.

‘Đại án’ DongABank: Trần Phương Bình nói về khu ‘đất vàng’ Ba Son ảnh 1 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu

Cũng tại phiên xử sáng nay, chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về quy trình thẩm định tài sản đảm bảo trong những khoản vay trên.

Theo thẩm phán Phạm Lương Toản - chủ tọa phiên tòa, đại diện VKS khẳng định 25.000 trái phiếu Cty M&C phát hành không có giá trị. Trong khi đó, đây là một trong những tài sản doanh nghiệp thế chấp vay hàng trăm tỷ đồng tại DongABank. “Hội đồng định giá nghĩ như thế nào về vấn đề này khi định giá tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn của Cty M&C?” – chủ tọa chất vấn đại diện Hội đồng định giá tài sản thuộc Ngân hàng Nhà nước. 

Trả lời HĐXX, người đại diện NHNN cho biết, quy định pháp luật không bắt buộc tổ giám định đưa ra nhận định về trái phiếu doanh nghiệp.

 Tại phiên tòa này, Cựu Tổng giám đốc DongABank – bị cáo Trần Phương Bình và 12 bị cáo đồng phạm bị xét xử tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, ông Bình còn bị xét xử tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2007-2013, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DongABank, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo các thuộc cấp và các đối tượng liên quan thực hiện hành vi gây thiệt hại cho DongABank hơn 8.8 ngàn tỷ đồng.

Trong đó riêng việc cho 4 nhóm khách hàng gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng vay gây thiệt hại cho ngân hàng 8.7 ngàn tỷ đồng. Ông Bình còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng.

Cáo trạng thể hiện hành vi của ông Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank bị lỗ lũy kế hơn 31 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25 ngàn tỷ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47 ngàn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.