Lễ hội Nguyên Tiêu là một sinh hoạt văn hoá có sự kết hợp của nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Đây là một lễ hội mang dấu ấn của cộng đồng người Hoa ở quận 5 duy trì phát triển suốt 30 năm qua. Hoạt động này thường diễn ra trong 3 - 4 ngày khoảng từ ngày 12 hoặc 13 đến rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm. |
Đầu giờ chiều 15/2, các diễn viên, đội lân bắt đầu tập trung tại đầu đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), chuẩn bị cho lễ diễu hành. |
Cụ thể, chương trình diễu hành nghệ thuật đường phố diễn ra từ 16h30 – 18h30 với 800 diễn viên diễu hành qua các tuyến đường: Hải Thượng Lãn Ông – Châu Văn Liêm – Lão Tử - Lương Nhữ Học – Nguyễn Trãi – Trần Xuân Hòa – Trung tâm Văn hóa quận 5. |
Tháng 1/2020, Lễ hội Nguyên tiêu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo UBND TPHCM, việc tổ chức lễ hội Nguyên tiêu là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa tại quận 5”. |
"Trưa nắng mà phải đeo khẩu trang nhựa thật sự khá là oi bức nhưng chúng tôi thấy vui và hạnh phúc khi năm nay được quay lại với lễ hội", một diễn viên chia sẻ. |
Đúng 17h, đoàn diễu hành bắt đầu lộ trình từ đường Hải Thượng Lãng Ông. |
Đoàn rước tiến vào đường Châu Văn Liêm. |
Khi đến rạp hát Thủ Đô, đoàn rẽ phải vào đường Lão Tử, hướng đi ngang Ôn Lăng. |
"Anh em đoàn lân sư rồng Hải Nam tập luyện trong điều kiện an toàn phóng chống dịch khá vất vả với chiếc khẩu trang trên mặt. Mấy chuyện đó anh em cũng dần quen, quan trọng chính là nhịp sống trở lại bình thường, người dân vui lễ hội, anh em có cơ hội biểu diễn phục vụ", quân kỳ trong đoàn lân này chia sẻ. |
Nhịp sống trở lại bình thường, các diễn viên cũng khá phấn khởi. |
Lễ diễu hành thu hút rất đông người dân theo dõi. |
"Em tham gia lần này là lần thứ 5. Tối đêm qua em đâu có ngủ, mong chờ ngày này lâu lắm rồi. Em không phải người Hoa nhưng em rất thích hoạt động này. Khi được tham gia em thấy vui vì cuộc sống trở lại bình thường. Bản thân em suốt mùa dịch tham gia vận chuyển rau củ từ miền Tây bằng tàu cao tốc chi viện cho TPHCM", "tiên nữ" Nguyễn Phương Kim Ngân chia sẻ. |
Đây là lần đầu tiên "tướng" Lê Ngô Minh Trí (ngụ quận 8) được bạn bè mời tham gia lễ diễu hành. "Giữa trưa nắng mặc cổ trang hơi nóng tí nhưng không sao, vui là chính", Trí vui vẻ nói. |
"Thành phố trở lại bình thường rồi, tham gia thôi, hoạt động này vui lắm, em đăng ký mấy lần mà nay mới được", vị tướng này chia sẻ. |
Lễ hội Nguyên tiêu ngoài ý nghĩa truyền thống mà cộng đồng người Hoa mang theo trong quá trình di cư đến vùng đất mới, còn là sự tiếp biến với văn hóa Việt. Lễ hội Nguyên tiêu tổ chức với quy mô lớn tại quận 5, TPHCM từ năm 1990. Từ năm 2000, Lễ hội Nguyên tiêu đã được TP.HCM đưa vào danh mục lễ hội của TPHCM. Vào năm 2007, ngày hội văn hóa người Hoa do Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức với quy mô toàn quốc. |
Ông Thần tài quẩy hết mình với du khách. |
Vào dịp Tết Nguyên tiêu, các đường phố khu vực Chợ Lớn ở quận 5 đông nghẹt người, nhất là các hội quán như Tuệ Thành, Nghĩa An, Quỳnh Phủ,… Tiếng chiêng trống, kèn, nhạc như náo nức say mê thúc giục mọi người vui chơi hết mình. Những màu sắc rực rỡ của trang trí, cờ phướn, áo quần làm rực cả khu phố. |
Trong những ngày này, không khí hội hè, tết nhất luôn tràn ngập các khu phố. Dọc theo các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục, Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM… nhà nhà treo đèn đỏ trước cửa để chào mừng. |
Lễ hội sử dụng nông lịch, kết thúc năm cũ, mở ra năm mới với nhiều phong tục, nghi thức, đoàn tụ gia đình, vui chơi, xuất hành làm ăn,… |
Tết Nguyên Tiêu không chỉ là tết thuần tuý mang thú vui thưởng ngoạn mà còn mang ý nghĩa tâm linh lớn lao. "Nguyên tiêu" có nghĩa là đêm vọng đầu tiên của năm mới. Vào dịp Nguyên Tiêu, người Hoa thường đi chùa, miếu để cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh và phát tài phát lộc. |
Tết Nguyên Tiêu được tổ chức chủ yếu tại các Hội quán - nơi thờ tự của cộng đồng. Các nhân vật được thờ tại các Hội quán như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, Ông Bổn (Phước Đức Chính Thần), Kim Long (các vị thần thuộc tín ngưỡng Tam Nguyên - Tam Quan), các vị thần người Hoa,… |
Lễ hội có sự tham gia của người Hoa, người Kinh sinh sống ở TPHCM với trung tâm là Quận 5 mang giá trị cố kết cộng đồng, giao lưu, giao thoa văn hóa của người Hoa nói riêng và với các cộng đồng người khác nói chung. |
Lễ hội chính được tổ chức vào đêm rằm tháng Giêng với các phần lễ, hội đa dạng, thu hút người dân và du khách như nghi thức lễ rước kiệu Bà; diễu hành với phần hóa trang thần tài, tiên nữ, bát tiên, các ông Phúc - Lộc - Thọ; trình diễn ca kịch cổ truyền; múa lân sư rồng; đố chữ; thư pháp; trình diễn tuồng cổ, âm nhạc như Đại la cổ Triều Châu, nhạc lễ Phúc Kiến; lễ tế thánh của người Triều Châu; Hội Long đăng của người Phúc Kiến... |
Thông qua lễ hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Hoa được giữ gìn và phát huy. Không gian văn hóa lễ hội là dịp để thể hiện, giới thiệu, lưu giữ các truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, chế tác, kỹ thuật, sản vật đặc sắc, truyền thống được tạo ra và giới thiệu tại lễ hội. Lễ hội thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, đem lại lợi ích về văn hóa, kinh tế cho cộng đồng. |
Sau 2 năm tạm ngừng vì dịch COVID-19, hôm nay Lễ hội Tết Nguyên tiêu chính thức diễn ra. Đây là sự kiện văn hóa đầu tiên sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức. |
Tết Nguyên tiêu, giới trẻ đổ về Hội An cầu duyên
14/02/2014