> Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Có thể thành công trình quốc phòng (!?)
> Chủ DA Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Không đòi hỏi gì khi dừng dự án, nếu…
Tiền Phong xin trích đăng trao đổi về vấn đề trên với hai trong số các nhà khoa học quan tâm dự án.
TS Lê Anh Tuấn dẫn sinh viên ngành môi trường, Đại học Cần Thơ, du khảo VQG Cát Tiên năm 2011 . |
Không đủ tư cách
Các ông đánh giá thế nào trước việc một quan chức Bộ TN&MT, khi trả lời Tiền Phong, cho rằng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (ĐN 6&6A) có thể trở thành công trình an ninh quốc phòng nếu được Quốc hội đồng ý về chủ trương?
Ngày 8-11, trong bán kính vài trăm mét tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, song song với cuộc họp báo về hai dự án thủy điện ĐN 6&6A do chủ đầu tư tổ chức ở Khách sạn Melia, có một hội thảo khoa học cùng chủ đề ở Khách sạn Công Đoàn do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức. Tại hội thảo khoa học có phóng viên Tiền Phong tham dự, ông Nguyễn Vũ Trung nói: “Tôi yêu cầu báo chí, nhà khoa học phải khách quan, trung thực, thể hiện danh dự, lòng tự trọng và tính chịu trách nhiệm của mình. Không thể à ơi theo tâm lý bầy đàn. Các phóng viên, các nhà khoa học có mặt tại hội thảo cần nhìn về tương lai của đất nước, của con cháu mà sống có trách nhiệm. Những phát ngôn trước công luận phải gắn với tự trọng, danh dự, phẩm giá của mình”. Ông Nguyễn Vũ Trung là Phó trưởng Phòng Đánh giá Môi trường Tổng hợp thuộc Cục Thẩm định&ĐTM, Bộ TN&MT. Ông là người trả lời Tiền Phong trong bài báo đã dẫn. Ông Trung là thành viên hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của hai dự án ĐN 6&6A. Tuy nhiên, ông Trung vừa bị lãnh đạo Bộ TN&MT đưa ra khỏi danh sách thành viên hội đồng. |
TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ: Chương 12 của Nghị định số 126/2008/NĐ-CP có đề cập đến những công trình hiện hành chứ không phải công trình đang ở trên giấy hoặc ý tưởng.
Nghị định nêu rõ“Công trình quốc phòng, an ninh quan trọng” là công trình “nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ bảo vệ Tổ quốc hoặc trực tiếp tác động đến sự tồn tại của chế độ” và là “công trình đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, giao thông, đê điều, điện lực, thủy lợi, xây dựng nếu để xảy ra sự cố hoặc bị phá hoại sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, gây thảm họa đối với đời sống con người, môi trường sinh thái”.
Do đó, không thể nói Dự án ĐN 6&6A là công trình đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng.
Theo tôi, quan chức này phát biểu theo suy nghĩ của cá nhân. Không thể gọi đây là quan điểm của Bộ TN&MT. Vả lại, người này không đủ tư cách để đại diện cho Bộ TN&MT để có một kiểu phát biểu thiếu cơ sở pháp lý như vậy.
Một công trình an ninh quốc phòng thì không thể giao cho một công ty tư nhân xây dựng và điều hành.
TS Lê Phát Quới, Viện Tài Nguyên&Môi Trường, Đại học Quốc gia TPHCM:
Với một dự án đang còn trên giấy, không thể nói chỉ cần Quốc hội duyệt chủ trương thì có thể xem nó là công trình an ninh và quốc phòng được. Ngoài ra, muốn biết dự án ĐN6&6A có phải là công trình an ninh, quốc phòng hay không, phải có đánh giá và xác nhận của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Vì sao quan chức ấy lại có suy nghĩ như vậy?
TS Lê Anh Tuấn: Đây là một phát biểu làm nhiều người ngạc nhiên và nghi ngờ tính khách quan trong việc đánh giá một dự án gây nhiều tranh cãi như ĐN 6&6A.
TS Lê Phát Quới: Có lẽ đây là ý kiến của cá nhân ủng hộ xây dựng đập thủy điện ĐN 6&6A nên cố tình gán cho dự án cái mác như
thế chăng?
Kiến nghị dừng dự án
Trao đổi với Tiền Phong, quan chức đó cho rằng các nhà khoa học phát biểu không cẩn thận về dự án ĐN 6&6A?
TS Lê Phát Quới: Qua theo dõi những tuyên bố của quan chức này tại các hội thảo, tôi nhận thấy ngược lại. Tranh luận thì cần có nhiều ý kiến phản biện để có thể cố gắng giải quyết vấn đề ở mức tối ưu.
Nhiều ý kiến khác nhau sẽ giúp có cái nhìn rộng hơn và điều này là bình thường trong khoa học. Có thể có những ý kiến chưa sâu vì hạn chế lĩnh vực chuyên môn, hoặc chưa đầy đủ vì còn thiếu thông tin. Tuy nhiên, cần trân trọng các nhà khoa học. Nhìn chung, họ đóng góp vì lợi ích chung chớ không phải vì lợi ích cá nhân.
Các ông có kiến nghị gì về cách xử lý hai dự án này?
TS Lê Anh Tuấn: Tôi hy vọng các thành viên trong hội đồng thẩm định xem xét thấu đáo một cách tổng thể tất cả khía cạnh của dự án lên lưu vực sông Đồng Nai. T
ôi vẫn giữ quan điểm kiến nghị hội đồng xem xét dừng việc triển khai dự án thủy điện ĐN 6&6A do những tác động bất lợi của dự án lên lưu vực sông Đồng Nai nói chung và lên Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng.
TS Lê Phát Quới: Nhiều tổ chức, nhà khoa học quan tâm dự án này vì nó được dự kiến xây dựng trên một vùng nhạy cảm. Chính vì thế, dự án phải được xem xét bởi nhiều ngành liên quan. Đã có nhiều ý kiến từ các cơ quan cấp bộ với các cách tiếp cận khác nhau.
Nhưng, cuối cùng, dự án được giao cho Bộ TN&MT và họ phải dựa vào một hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chờ được xem xét bởi hội đồng thẩm định (hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT sẽ họp bàn về báo cáo này vào ngày 28-11).
Tôi nghĩ trách nhiệm của hội đồng thẩm định khá nặng nề trong trường hợp này, nhất là trong bối cảnh một số vấn đề của Thủy điện Sông Tranh 2 đang còn chưa giải quyết được và nỗi lo lắng của nhân dân tỉnh Quảng Nam vẫn còn đó.
Bất cứ công trình dự án thủy điện nào đều có tác động đến tự nhiên và kinh tế - xã hội của cư dân sống trong vùng dự án và cả những vùng lân cận.
Trong báo cáo ĐTM của các dự án thủy điện đều đã cố gắng đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động đến những vấn đề đã nêu. Tuy nhiên, then chốt ở chỗ, giải pháp có khả thi hay không.
Nhà tư vấn đưa ra các giải pháp trong ĐTM, nhưng nhà đầu tư có thực hiện các giải pháp mà họ hứa hay không.
Những giải pháp từ ĐTM, một số vấn đề của dự án được các nhà khoa học nêu ra và bài học của Thủy điện Sông Tranh 2 có thể được hội đồng thẩm định xem xét để đi đến một quyết định.
Cảm ơn các ông.
Nhóm PV
Thực hiện