> Cán bộ vòi vĩnh tăng, PCI giảm
Vẫn còn phí bôi trơn
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố cũng như Trung tâm Xúc tiến đầu tư trong nửa năm 2012 cho thấy việc lấy lại vị thế dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng như trước đây không dễ dàng.
Theo báo cáo của Viện trưởng Hồ Kỳ Minh, đa số DN phản ánh có nhiều trở ngại khi đầu tư, hoạt động kinh doanh ở Đà Nẵng. Cụ thể, nhiều cán bộ chính quyền trục lợi, DN phải trả phí hoa hồng, chung chi khi đăng ký kinh doanh; DN khó khăn tiếp cận đất, mở rộng mặt bằng; dịch vụ hỗ trợ DN yếu; chất lượng lao động thấp...
Nếu năm 2011, chất lượng lao động phổ thông và có đào tạo nghề được đánh giá tốt và rất tốt từ 54 – 67% thì con số này tụt xuống 29 – 47% trong 6 tháng đầu năm 2012. Năm 2011, có 46,63% DN phải trả phí bôi trơn thì con số này hiện tại là 47,2%.
Ngoài ra, có 44.9% DN tố cáo cán bộ nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục. Còn theo Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng: Tất cả DN đều cho rằng công việc sẽ được giải quyết êm đẹp sau khi đã trả chi phí không chính thức, và chi phí này cao hơn năm ngoái. Có tới 62% DN trả lời phải có hoa hồng để có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước.
Dịch vụ hỗ trợ DN tuy được cải thiện trong đợt khảo sát mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Sau khi mất điểm thê thảm trong năm 2011, các DN đánh giá, thành phố đã có bước cải tiến trong vấn đề giúp đỡ DN trong môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, những yếu tố cốt lõi như: tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tính minh bạch... vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Theo Viện trưởng Hồ Kỳ Minh, ngoài những yếu tố trên thì chất lượng lao động và đào tạo lao động là nội dung mà các DN đánh giá thấp nhất mặc dù chỉ số này giảm điểm mạnh trong năm 2011.
Năm 2011, 47,86% DN ngỏ ý muốn tiếp tục sử dụng nguồn lao động do nhà nước cung cấp, nhưng hiện tại, con số này chỉ còn 27,6%. Điều này chứng tỏ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm của thành phố và các địa phương là chưa hiệu quả.
Còn chủ quan, còn tụt hạng
Theo Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, sau nhiều năm đứng đầu PCI, lãnh đạo cũng như nhiều cán bộ ở Đà Nẵng đã có dấu hiệu thỏa mãn, chủ quan và đó chính là nguyên nhân chính khiến PCI tụt hạng. Vì thế, 6 tháng cuối năm sẽ là một cuộc bứt tốc đầy gian khó của Đà Nẵng nếu muốn lấy lại vị thế dẫn đầu.
Vì vậy ngay từ bây giờ Đà Nẵng cần phải thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, kiên quyết gạt bỏ tiêu cực, cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu để giúp môi trường kinh doanh, đầu tư sáng hơn.
Theo Th.s Lê Văn Hiểu – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, thay đổi vai trò chủ thể trong dịch vụ hỗ trợ DN và nâng cao chất lượng lao động.
Nếu thực hiện tốt những điều cơ bản trên, nhất định vị trí số 1 PCI sẽ quay trở lại với Đà Nẵng. “Cần công khai, minh bạch các văn bản, chính sách liên quan đến DN” - ông Hiểu nói.
Cùng ý kiến, ông Văn Hữu Thiết - Tổng thư ký Hội DNNVV Đà Nẵng đề nghị cần công khai, minh bạch các dự án, chương trình đầu tư, mua sắm công. “Nhiều DN nói phải bồi dưỡng cán bộ mới được vay vốn, hoặc tình trạng nhũng nhiễu tăng.
Vậy thành phố phải gia tăng làm sạch đội ngũ cán bộ. Cán bộ phải coi việc phục vụ DN là phục vụ thành phố, đó là thể hiện sự tri ân của viên chức đã nhận lương qua thuế mà người dân, DN đóng góp. Rất cần một sự khảo sát, đánh giá độc lập chuyện này”- ông Thiết nói.
“Tôi nghĩ sẽ không quá lời khi nói trong giai đoạn hiện nay chúng ta có những chính sách về quy hoạch, phát triển hạ tầng, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, cải thiện môi trường đầu tư... thì Đà Nẵng là một trong những địa phương đưa ra các sáng kiến và thực hiện những thử nghiệm đổi mới trong nền kinh tế Việt Nam, cũng giống như trước đây khoán sản phẩm ra đời từ Vĩnh Phúc, Hải Phòng!”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói tại cuộc hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP Đà Nẵng năm 2012” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 16/8. |