Trong đó 112 ca đã cách ly, 12 ca trong khu phong tỏa và 43 ca cộng đồng.
BCĐ cho hay, trong ngày có thêm 8 ca nhiễm liên quan đến lực lượng phòng, chống dịch. Gồm 2 ca trong khu phong tỏa phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), 6 ca là F1 và F liên quan đến các ca mắc trước đó.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình các khu chung cư tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Ảnh: Thanh Trần. |
Riêng chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hòa Cường có tới 98 ca mắc. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị chức năng kêu gọi người dân có liên quan đến các ca mắc COVID-19 ở chợ đầu mối Hòa Cường tự giác khai báo để xét nghiệm.
Hiện Đà Nẵng đang xem xét cho đội ngũ shipper hoạt động trở lại. Với điều kiện ưu tiên những người đã tiêm vắc-xin. Trong quá trình vận chuyển phải mang đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn….
Lực lượng shipper phải thực hiện nhiều điều kiện nghiêm ngặt khi được phép hoạt động lại. |
Trong chiều cùng ngày, Sở Công Thương đã yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi gửi danh sách nhân viên giao nhận hàng hóa bằng xe máy (đã tiêm vắc xin COVID-19) về Sở để Sở gửi Công an TP cấp Thẻ vận chuyển cho nhân viên giao nhận hàng hóa.
Sở cũng lưu ý, các đơn vị được cấp Thẻ vận chuyển cho nhân viên giao nhận hàng hóa phải khai báo trung thực trong việc lập danh sách của nhân viên, chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ các shipper theo danh sách đã đề xuất. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về lộ trình của nhân viên giao nhận hàng hóa đã được cấp, thời gian giao nhận hàng và các yêu cầu khác bảo đảm theo quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Như Tiền Phong đã thông tin, từ khi Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà (từ ngày 16/8), các hộ dân đặt mua thực phẩm online qua tổ dân phố. Các đơn vị cung ứng sau khi nhận đơn sẽ giao hàng cho các tổ phân bổ lại cho người dân. Tuy nhiên số lượng đặt mua quá nhiều, lực lượng tại chỗ ít người, một số người đã cao tuổi nên việc cung ứng thực phẩm cho bà con có khi chậm trễ, quá tải.