Đà Nẵng siết thi tuyển công chức: Ứng viên tại chức vẫn có cửa?

Đà Nẵng siết thi tuyển công chức: Ứng viên tại chức vẫn có cửa?
Ngày 11-9, UBND TP Đà Nẵng cho hay, theo kế hoạch tuyển dụng công chức hành chính thuộc UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành, thời gian thi tuyển dự kiến tổ chức vào tháng 11-2012 gồm gần 150 chỉ tiêu.

> Làm sao ngăn việc 'học giả, bằng thật?'

Đối tượng được dự thi ngạch chuyên viên với những người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố phải tốt nghiệp ĐH trở lên và được các cơ quan sử dụng đánh giá xếp loại tốt trở lên.

Những người không công tác tại các cơ quan, đơn vị hành chính thuộc thành phố phải có bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi hoặc tốt nghiệp sau ĐH (có bằng ĐH loại khá trở lên) từ năm 2011 trở về trước mới được dự thi.

Riêng các đối tượng tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trong nước, người tốt nghiệp ĐH, sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài… được tiếp nhận không qua thi tuyển.

Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng: Văn bản thành phố quy định ứng viên phải có “bằng ĐH” mà không quy định cụ thể loại hình đào tạo nào nên có thể hiểu việc xét tuyển mở rộng ở các loại hình bằng ĐH, mục đích là nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của công chức.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho rằng, Quy định chung chỉ yêu cầu: Người tham gia tuyển dụng có bằng tốt nghiệp đại học. Ở đây, câu chuyện cũng na ná câu chuyện của bằng tại chức và bằng chính quy trước đây.

“Tôi chia sẻ quan điểm với người sử dụng ở chỗ: Ai cũng muốn tìm người có năng lực, có trình độ thực sự vào cỗ máy làm việc của mình. Tuy nhiên, ở khía cạnh pháp lý, vấn đề lại là một câu chuyện khác”.

Theo ông Bình, luật không cấm người có bằng trung bình dự thi; nhưng, luật cũng không cấm người tuyển dụng không được tuyển dụng người giỏi. Ranh giới giữa đúng và sai trong việc này là rất mong manh.

“Bởi vậy, qua phương pháp thi, nội dung thi, cách thức thi … thế nào để qua cuộc thi đó chỉ có người giỏi được tuyển vào thì hợp lý hơn”.

Ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Với ĐH Bách khoa Hà Nội, số lượng người được bằng giỏi chỉ chiếm 10 %. Tuy nhiên, điểm chỉ là một phần, chưa hoàn toàn phản ánh đúng năng lực làm việc.

Có thể có những người bằng giỏi nhưng chưa chắc đã làm việc bằng người có bằng khá. Thêm một điều nữa, người có bằng giỏi về kỹ thuật của các trường tốp đầu chưa chắc đã muốn làm việc ở cơ quan nhà nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG